Sẽ đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu đến Việt Nam tại Hạ Long, Quảng Ninh

Ngày 16/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch họp báo thường kỳ quý III năm 2018. Thông tin tình hình du lịch 9 tháng của năm 2018, tour du lịch giá rẻ... được nhiều cơ quan báo chí đề cập tại cuộc họp này.

Chú thích ảnh
Đón tiếp những vị khách du lịch đến tham quan vịnh Hạ Long ngày 1/1/2018. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN

Hơn 40% khách quốc tế quay trở lại Việt Nam

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Tuấn thông tin cho biết: Năm 2018, hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch cực kỳ sôi động, có nhiều thị trường lần đầu tiên được tiếp cận để mở rộng các thị trường cho du lịch Việt Nam. Hiệu ứng từ việc quảng bá, xúc tiến là rất tốt, danh tiếng của điểm đến Việt Nam đã được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, du lịch Việt Nam ngày càng được du khách biết đến nhiều hơn.

Mục tiêu của năm 2018 là đón từ 15-16 triệu lượt khách quốc tế, đến nay đã đạt 11,7 triệu. Để đạt được mục tiêu đón 16 triệu lượt khách quốc tế thì mỗi tháng phải đạt xấp xỉ 1,5 triệu lượt khách quốc tế. Quý IV là thời điểm cao điểm khách du lịch quốc tế, nên nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay, không gặp phải những biến cố bất thường xảy ra thì ngành du lịch không đạt được 16 triệu lượt khách thì cũng có thể đạt 15,7-15,8 triệu lượt khách. Đây cũng là một thành tích rất đáng ghi nhận. Dự kiến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12/2018 sẽ đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu đến Việt Nam tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.
 
Thông tin đáng mừng từ Tổng cục Du lịch cho thấy: Thời gian qua, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng cao cả về số lượng khách lẫn chất lượng.

Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch, năm 2017, tỷ lệ khách quốc tế đến Việt Nam lần thứ 2 trở lên đã đạt 40,4% tập trung vào một số điểm đến trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… Chi tiêu bình quân một ngày của khách quốc tế đến từ hầu hết các thị trường đều tăng. Trong đó, thị trường lớn nhất là Hàn Quốc tăng từ 133,4 USD/ngày lên 171,5USD/ngày; thị trường khách Trung Quốc tăng từ 118,6USD/ngày lên 130,1USD/ngày.  

Hiện đã có 52 hãng hàng không quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam, nhiều đường bay thẳng nối các điểm đến ở Việt Nam với các quốc gia được mở rộng. Đáng mừng là lượng khách đến bằng đường không chiếm tới 84,4% tổng số khách quốc tế (đa phần là dòng khách có khả năng chi tiêu cao). Theo báo cáo “Xu hướng du lịch sông Mê Kông 2017” thì Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng Bangkok (Thái Lan), Côn Minh (Trung Quốc) đã trở thành điểm trung chuyển lớn trong khu vực, kết nối các điểm đến trong khu vực và thế giới.

Ngăn chặn hiệu quả mặt tiêu cực của tour du lịch giá rẻ

Tour du lịch giá rẻ cũng là vấn đề được đông đảo cơ quan báo chí quan tâm. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Tour du lịch giá rẻ là cách thức bán hàng với giá tour cơ bản thấp, bao gồm dịch vụ tối thiểu tại điểm đến. Tuy nhiên, khách du lịch sẽ được khuyến khích sử dụng nhiều dịch vụ như mua sắm, tham quan, vui chơi, giải trí, ăn uống… Việc liên kết, tái phân bổ lợi nhuận giữa các công ty lữ hành, hãng hàng không và các cơ sở dịch vụ tại điểm đến sẽ đảm bảo lợi ích của tất cả các bên tham gia chuỗi giá trị phục vụ khách du lịch.

Chú thích ảnh
Du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu tư liệu về Hà Nội được trưng bày tại Văn Miếu-Quốc tử Giám. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Một trong những biến tướng của tour du lịch giá rẻ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch là tour 0 đồng. Tour giá rẻ thường diễn ra với các hình thức tổ chức thu gom khách hàng thành các đoàn lớn dưới hình thức bán buôn để được hưởng chính sách ưu đãi về giá, hỗ trợ của các hãng vận chuyển, cung ứng dịch vụ, từ đó giảm được giá tour. Nhưng hành trình của du khách sẽ bị rút ngắn, cắt giảm chương trình tour, bị ép vào các điểm mua sắm khép kín chỉ phục vụ riêng khách đi theo tour giá rẻ với hàng hóa chất lượng thấp, giá cả cao gấp nhiều lần thực tế...

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: Đối với người làm du lịch thì việc quản lý tour du lịch giá rẻ phải đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường, đồng thời phải quản lý được chất lượng dịch vụ du lịch, bảo vệ quyền lợi của khác du lịch, hình ảnh điểm đến cũng như các nguồn thu thuế cho nhà nước.

Điểm mấu chốt để duy trì và tồn tại được tour giá rẻ là các cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, thường do người nước ngoài núp bóng điều hành và có sự tiếp tay, đồng lõa của công ty lữ hành và của các công ty lữ hành Việt Nam.

Do đó, để ngăn chặn, xử lý mặt tiêu cực của tour giá rẻ, ngành du lịch, đặc biệt là các địa phương cần nâng cao trách nhiệm, tăng cường kiểm soát các cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, kiểm soát chất lượng hàng hóa, không cho phép xảy ra giao dịch chui, trốn thuế, chuyển tiền  trái phép ra nước ngoài. Đơn cử như tỉnh Quảng Ninh khi ra quân đồng loạt đã dẹp được tour giá rẻ, 0 đồng. Đồng thời, các ngành chức năng phải kiên quyết xử phạt, rút giấy phép hoạt động đối với các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên có vi phạm luật về kinh doanh lữ hành đảm bảo đến quyền lợi của du khách...

DL (TTXVN)
Du khách đổ về hồ Đại Lải ngắm cảnh đẹp trong tiết trời Thu
Du khách đổ về hồ Đại Lải ngắm cảnh đẹp trong tiết trời Thu

Trong tiết trời Thu, phong cảnh vùng hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc) hiện lên như một bức tranh thủy mặc làm mê đắm lòng người. Nhiều ngày qua, du khách từ khắp nơi đã đổ về đây thưởng ngoạn cảnh đẹp, chụp ảnh lưu niệm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN