Tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2017 của Bộ Công Thương sáng 14/7, liên quan đến 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng cho biết: Nghị quyết số 33 của Quốc hội khóa 14 tại kỳ họp thứ 3 đã giao Chính phủ rà soát đánh giá khó khăn vướng mắc ở một số dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương để ra đưa phương án xử lý.
Dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất, 1 trong 12 dự án thua lỗ. Ảnh: http://www.dqsy.vn |
Sau đó, Thủ tướng đã thành lập ban chỉ đạo của Chính phủ do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng ban để rà soát 12 dự án ngành công thương cần được xem xét xử lý. Trong đó có 4 dự án thuộc nhóm sản xuất phân bón, 3 dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học, 2 dự án sản xuất thép, nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ, nhà máy đóng tàu Dung Quất và nhà máy bột giấy Phương Nam.
Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc xử lý từ cuối năm 2016. Đến nay sau hơn 7 tháng đã có kết quả tích cực. Ban chỉ đạo đã làm việc trực tiếp tại 9/12 dự án, nắm tình hình, cùng địa phương và bộ ngành có phương án xử lý. Gần 200 văn bản chỉ đạo sát sườn từng dự án, thể hiện quyết tâm của Ban chỉ đạo.
"Đến nay, một số dự án có chuyển biến ban đầu tốt. Đặc biệt là nhóm 4 nhà máy sản xuất phân bón đã hoạt động trở lại. 2 nhà máy thép có chuyển biến tích cực. Nhà máy bột giấy Phương Nam lên phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản...", ông Hưng cho hay.
Tuy nhiên, thời gian tới còn những vấn đề cần tiếp tục triển khai. "Dù xử lý cách nào đi nữa thì nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ là khẩn trương tìm giải pháp để các dự án này tốt lên, xử lý triệt để vấn đề còn vướng mắc tại dự án. Nguyên tắc tiếp nữa là các tập đoàn, chủ đầu tư phải nâng cao hiệu quả hoạt động nhà máy thông qua việc tiết giảm chi phí, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh", Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Theo lộ trình, trong tháng 7 này, Bộ Công Thương sẽ trình Trưởng ban chỉ đạo để xem xét trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xử lý chính thức 12 dự án này.
"Tôi xin nhấn mạnh cho dù phương án nào thì hàng ngày vẫn phải giải quyết các vấn đề tồn tại để làm cho các dự án này tốt lên", ông Hưng nói.
Liên quan đến việc cho phá sản 2 dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ và nhà máy đóng tàu Dung Quất, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, thẩm quyền cho phá sản hay không trước hết không phải của Bộ Công Thương mà là của Chính phủ, phải báo cáo Trưởng ban chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ. Khi đã có ý kiến chỉ đạo và phê duyệt của các cấp thì vẫn phải thực hiện theo các quy định hiện hành về phá sản.