Sẵn sàng cho ngày bầu cử

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đến nay Hội đồng bầu cử quốc gia đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, đảm bảo đúng tiến độ, sẵn sàng cho ngày bầu cử.

Chiều 20/5, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức họp báo trong nước và quốc tế về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Chủ trì cuộc họp báo có các ông: Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc thông báo về công tác chuẩn bị bầu cử. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến nay Hội đồng bầu cử quốc gia đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, đảm bảo đúng tiến độ, sẵn sàng cho ngày bầu cử. Cả nước có tổng số 91.476 tổ bầu cử, 69.265.810 cử tri. Hiện nay, các tổ bầu cử đã tiến hành xong việc cấp phát thẻ cử tri. Việc tổ chức cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND vận động bầu cử theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử và hướng dẫn của Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sau ngày 2/5, nhiều địa phương đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp trong không khí dân chủ, cởi mở, bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử; không có sự phân biệt, khoảng cách giữa những người có chức vụ, quyền hạn với những người không đảm nhiệm chức vụ hoặc người tự ứng cử.

Ngoài tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri, các ứng cử viên còn trình bày với cử tri về chương trình hành động và trực tiếp trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, địa phương mình ứng cử. Qua đợt vận động này, cử tri và nhân dân có điều kiện hiểu rõ hơn về người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND. Thời gian vận động bầu cử sẽ kết thúc trước 7 giờ ngày 21/5/2016.

Hội đồng bầu cử quốc gia đã tiếp nhận nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Hầu hết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã được nghiên cứu, xem xét chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức bầu cử xem xét, giải quyết. Trình tự xem xét, giải quyết được thực hiện đúng quy định của pháp luật về bầu cử. Đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia không nhận được đơn, thư kiến nghị nào về việc không đồng ý với kết luận trả lời của Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đối với những trường hợp sau ngày 12/5 mà vẫn còn có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử thì Hội đồng bầu cử quốc gia cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử phải thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết về việc ngừng giải quyết 10 ngày trước ngày bầu cử, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Công tác thông tin, tuyên truyền giai đoạn này được tập trung triển khai với nhiều nội dung và hình thức phong phú, phù hợp, chú trọng vào việc thông tin cho cử tri về danh sách, tiểu sử, chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, tuyên truyền về ý nghĩa của cuộc bầu cử... Bước vào giai đoạn này, công tác bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cuộc bầu cử được chú trọng. Các cơ quan được giao nhiệm vụ đã triển khai lực lượng nắm địa bàn, theo sát tình hình ở địa phương, chủ động rà soát, tham mưu giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh, chú trọng an ninh trật tự, an toàn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng giáp biên giới...

Công nhân Công ty Giày Thái Bình (đóng tại phường Bình An, thị xã Dĩ An, Bình Dương) tìm hiểu các ứng cử viên Quốc hội ứng cử nhiệm kỳ Quốc hội XIV ngay tại nhà máy sản xuất. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ từ nay đến ngày bầu cử, các địa phương hoàn thành việc tổ chức để những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thực hiện quyền vận động bầu cử đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (tức 7 giờ ngày 21/5/2016). Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri thuộc khu vực bỏ phiếu biết về ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu (từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối) bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương. Sau khi kết thúc cuộc bầu cử, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh có báo cáo về tình hình và kết quả sơ bộ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ngay sau khi hoàn tất việc kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố gửi biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội kèm theo danh sách những người trúng cử và các loại tài liệu khác có liên quan gửi về Hội đồng bầu cử quốc gia để lập biên bản tổng kết và công bố danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội trong cả nước (chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử). Căn cứ kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội, kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình bỏ phiếu bầu cử sớm, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo đề nghị của Ủy ban bầu cử 17 tỉnh, Hội đồng bầu cử quốc gia đã có văn bản cho phép nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các tỉnh này tiến hành bầu cử sớm. Tính đến ngày 20/5, trên cả nước đã có một số khu vực bỏ phiếu thuộc các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Lai Châu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắk Lắk tổ chức bầu cử sớm trước ngày bầu cử đã được ấn định. Công tác bầu cử đã được triển khai rất tốt, cử tri phấn khởi vui vẻ tham gia bầu cử.

Tại cuộc họp báo, các câu hỏi của phóng viên liên quan tới việc cấp, đổi thẻ cử tri khi phát hiện sai sót, công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình tham gia bỏ phiếu lựa chọn đại biểu tham gia vào cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương ương và địa phương; các hành vi vi phạm Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; công tác vận động bầu cử; giám sát thực hiện lời hứa của ứng cử viên khi trúng cử... đã được các các vị chủ trì cuộc họp báo trả lời thấu đáo.

Quỳnh Hoa-Phúc Hằng (TTXVN)
Bầu cử là nghĩa vụ thiêng liêng của công dân
Bầu cử là nghĩa vụ thiêng liêng của công dân

Ngày 22/5, cử tri cả nước sẽ tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN