Hoàn tất công tác chuẩn bị bầu cử trong cả nước

Công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 22/5 đã được triển khai tích cực, chuẩn bị chu đáo, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở.

Cử tri xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa xem danh sách ứng cử viên. Ảnh: Thế Lập/TTXVN

Đến ngày 20/5, các địa phương trong cả nước đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Công tác chuẩn bị bầu cử được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phối hợp đồng bộ, tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, đảm bảo đúng tiến độ quy định của pháp luật, tạo không khí phấn khởi, dân chủ.

Cả nước có 8.7889 đơn vị bầu cử tại 63 tỉnh, thành phố. Hơn 69 triệu cử tri sẽ tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 22/5. Cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn những đại biểu có đức, có tài để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội và 322.966 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tại 184 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ lựa chọn bầu là 500 đại biểu Quốc hội khóa XIV trong số 870 ứng cử viên. Tại 87.705 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 322.966 đại biểu HĐND các cấp trong số 545.617 ứng cử viên. Trong đó, số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh được bầu là 3.918 đại biểu, cấp huyện là 24.993 đại biểu và cấp xã là 294.055 đại biểu.

Thực hiện Kế hoạch giám sát, kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia đã tổ chức 3 đợt giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Đợt 1 (từ ngày 10 đến 18/3) tổ chức 6 Đoàn công tác giám sát, kiểm tra tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đợt 2 (từ ngày 21 đến 27/4) tổ chức 8 Đoàn công tác giám sát, kiểm tra tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đợt 3 (từ ngày 3/5 đến 17/5) tổ chức 8 Đoàn giám sát, kiểm tra tại 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua kiểm tra, giám sát kịp thời khắc phục những hạn chế trong quá trình chuẩn bị bầu cử tại các địa phương. Từ 19 đến 22/5 sẽ có 13 đoàn kiểm tra công tác bầu cử tại một số đơn vị quân đội và 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các đồng chí thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia và lãnh đạo các Tiểu ban của Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ kiểm tra công tác bầu cử tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nam, Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động- Bộ Công an...

Hội đồng bầu cử quốc gia đã ban hành 19 văn bản cho phép bầu cử sớm ở một số khu vực bỏ phiếu của 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (ngày 27/4/2016) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7h ngày 21/5/2016) để các ứng cử viên vận động bầu cử theo luật định. Không khí nhiều hội nghị cử tri rất sôi nổi, thẳng thắn, mang tính xây dựng, có sự trao đổi, đối thoại giữa cử tri với những người ứng cử. Thông qua đó, tạo cơ sở để cử tri lựa chọn và bầu được những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình.

Cử tri Cà Mau xem danh sách các đại biểu ứng cử. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử đã được các địa phương trong cả nước triển khai tích cực, với các hình thức đa dạng, phong phú, sinh động. Cùng với cách thức thông tin, tuyên truyền như kẻ vẽ pa nô, áp phích, tranh cổ động tại các khu vực đông dân cư và các địa điểm bỏ phiếu... việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi sinh hoạt văn nghệ, tuyên truyền miệng được các địa phương coi trọng và thực hiện nghiêm túc. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc phổ biến quyền và nghĩa vụ của công dân tham gia bỏ phiếu; nghiên cứu về tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của những người ứng cử; tuyên truyền về cách thức bỏ phiếu, nội quy phòng bỏ phiếu...

Việc chuẩn bị mọi mặt để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đúng luật định đã được các địa phương, các cấp, các ngành chuẩn bị kỹ lưỡng. Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, các lực lượng vũ trang ở địa phương đã chuẩn bị và có kế hoạch cụ thể, chú trọng các vùng xung yếu, vùng sâu, vùng xa, các "điểm nóng" có thể xảy ra trên địa bàn; tập trung nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn âm mưu phá hoại của các tổ chức, cá nhân phản động, tăng cường kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Cơ quan chức năng đã chủ động tăng cường công tác bảo đảm an ninh mạng, an ninh truyền thông; đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh, phòng chống các hoạt động xuyên tạc, các luận điểm sai trái, vu cáo của các tổ chức phản động liên quan đến bầu cử. Công tác thông tin liên lạc bảo đảm thông suốt, kịp thời trong quá trình bầu cử. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan tới bầu cử được thực hiện theo đúng luật định. Các địa phương đã chuẩn bị tốt các phương tiện vật chất, kỹ thuật cho cuộc bầu cử, như: In ấn tài liệu, văn bản hướng dẫn bầu cử; thẻ cử tri, biểu mẫu, khắc dấu, đóng hòm phiếu, trang trí khu vực bỏ phiếu và các phương tiện khác phục vụ cho công tác bầu cử.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Bảo vệ tuyệt đối an toàn cho cuộc bầu cử
Bảo vệ tuyệt đối an toàn cho cuộc bầu cử

Sáng ngày 20/5, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN