Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cần làm rõ các thông tin về nhóm người chưa tiêm mũi 2 tại mỗi địa phương là bao nhiêu và các lý do mà họ chưa được tiêm như: Đã mắc COVID-19 nên phải hoãn tiêm, không còn ở nơi cư trú, đã tiêm nơi khác…
Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm chủng, trong đó áp dụng nhiều hình thức thông tin đến người dân về kế hoạch tiêm chủng, lịch tiêm chủng… trên địa bàn, mời gọi người dân đến tiêm mũi 1 và mũi 2 khi đủ thời gian. Công tác tổ chức cần tạo mọi thuận lợi cho người dân ra tiêm. Người dân đủ thời gian tiêm mũi 2 có thể chủ động ra điểm tiêm đăng ký, không phân biệt thường trú, tạm trú, chỉ cần là người đang cư trú đều sẽ được tiêm chủng đầy đủ.
Thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đến ngày 17/10, Thành phố đã tiến hành tiêm chủng 12.641.878 mũi vaccine phòng COVID-19; trong đó có 7.116.611 người được tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ mũi 1 là 98,6%; 5.475.267 người được tiêm mũi 2, đạt 75,4%. Như vậy, số lượng vacine Thành phố cần để tiêm mũi 2 dự kiến là khoảng 1.641.344 liều. Hiện tại, Thành phố đã có đủ vaccine dự kiến dùng để tiêm mũi 2.
Liên quan đến công tác tiêm chủng cho trẻ từ 12-17 tuổi, theo tờ trình của Sở Y tế gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, bắt đầu từ ngày 22/10, tất cả trẻ từ 12-17 tuổi đang sinh sống, học tập trên địa bàn thành phố, học sinh đang đi học từ lớp 6-12 sẽ được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đóng vai trò chủ đạo, phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, ngành y tế trong việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ và chịu trách nhiệm về việc đảm bảo độ bao phủ vaccine cho trẻ.
Về hình thức triển khai, ngành y tế sẽ tổ chức chiến dịch tại các cơ sở cố định, điểm tiêm lưu động và trường học. Dự kiến sẽ có khoảng 780.000 trẻ được tiêm vaccine. Loại vaccine sử dụng là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi từ 12 - 17 tuổi.
Vaccine được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vaccine. Theo dự thảo, trẻ em trên toàn thành phố sẽ được tiêm vaccine COVID-19 mũi 1 trong 5 ngày. Thời gian tiêm mũi 2 sẽ tùy vào hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine. Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký phiếu nếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ. Sau khi tiêm, trẻ được cấp giấy xác nhận đã tiêm chủng vaccine COVID-19.
* Chiều 18/10, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố Đà Nẵng cho biết, tính từ 13 giờ ngày 17/10 đến 13 giờ ngày 18/10, Đà Nẵng không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Tính từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 4.682 ca mắc COVID-19. Trong ngày 18/10, Đà Nẵng tổ chức xét nghiệm 4.359 lượt người.
Đến nay, Đà Nẵng tiếp nhận 1.007.856 liều vaccine, đã tiêm 974.230 liều; trong đó 847.625 người tiêm mũi 1; 126.605 người tiêm mũi 2.
Thực hiện xét nghiệm theo kế hoạch 164/KH-UBND đợt 3 (từ ngày 14-16/10) thành phố đã xét nghiệm 144.704 lượt người (đạt 95,7%) và không ghi nhận ca mắc.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh ghi nhận, đánh giá cao việc kiểm soát tốt dịch bệnh ở các địa phương.
Theo ông Chinh, thành phố vẫn còn nhiều yếu tố bùng phát dịch, do đó các địa phương, đơn vị cần tăng cường kiểm soát người dân vào thành phố và tại các khu dân cư. Đặc biệt, trong thời gian tới, các hoạt động mở cửa sẽ có nhiều người dân tham gia. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tích cực kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại những nơi công cộng, nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh…
Ông Chinh cho biết, đến nay tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho người trên 18 tuổi đã đạt trên 90%. Để sớm phủ 100% người tiêm mũi 1, các địa phương tiếp tục rà soát người chưa tiêm vaccine; đồng thời sớm hoàn thành thủ tục mua sắm vật tư phòng, chống dịch và chế độ chính sách.