Kế hoạch tập trung vào 4 nội dung chính: Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách và hướng dẫn kỹ thuật về quan trắc môi trường; tổ chức triển khai các hoạt động quan trắc môi trường theo mạng lưới các điểm quan trắc đã được phê duyệt; quản lý các thông tin, số liệu quan trắc môi trường hướng tới phục vụ cho mục tiêu cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường; đẩy mạnh khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, đào tạo và tăng cường năng lực.
Theo đó, Kế hoạch tập trung rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quan trắc môi trường và các quy định pháp luật có liên quan đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tế quản lý; xác định các vấn đề mới phát sinh cần điều chỉnh, sửa đổi và đề xuất đưa vào chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường giao các cơ quan đơn vị tùy theo chức năng rà soát, cập nhật các phương pháp kỹ thuật quan trắc môi trường trong quá trình sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; nghiên cứu, bước đầu đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích, tăng cường xã hội hóa hoạt động quan trắc môi trường, huy động sự tham gia của các nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động quan trắc chất lượng môi trường; rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ hiệu quả cho công tác quan trắc môi trường.
Triển khai các hoạt động quan trắc môi trường theo mạng lưới các điểm quan trắc đã được phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục duy trì 19 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục đã được đưa vào vận hành theo Quy hoạch trước đây; nâng cấp, sửa chữa những hạng mục cần thiết đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về trạm không khí xung quanh tự động, liên tục theo quy định. Bộ cũng hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào sử dụng 18 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục trong Dự án "Đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí (giai đoạn 1)". Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục duy trì vận hành 22 trạm quan trắc chất lượng nước tự động, liên tục đã được đưa vào vận hành và chuyển đổi 2 điểm quan trắc chất lượng nước được lồng ghép với Trạm thủy văn Tân Châu (An Giang) và Trạm Thủy văn Mỹ Thuận (Vĩnh Long) thành trạm quan trắc chất lượng nước tự động, liên tục.
Các thông tin, số liệu quan trắc môi trường hướng tới phục vụ cho mục tiêu cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật quan trắc môi trường và việc quản lý thông tin, số liệu quan trắc môi trường phục vụ hiệu quả cho hoạt động quan trắc môi trường theo Quy hoạch; đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho các chương trình quan trắc môi trường cấp tỉnh…
Để đẩy mạnh khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Kế hoạch gồm các nội dung tập trung nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền, nhận, lưu trữ, xử lý, phân tích và khai thác số liệu quan trắc môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ, thiết bị quan trắc tự động trong hoạt động quan trắc môi trường; nghiên cứu việc sử dụng dữ liệu vệ tinh phục vụ quan trắc, giám sát chất lượng môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội. Cùng với đó, Kế hoạch tập trung tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, trao đổi thông tin; hướng dẫn, cập nhật các kỹ thuật về quan trắc môi trường và quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường giữa các đơn vị quan trắc môi trường của Trung ương, Bộ, ngành và các địa phương...
Một trong những mục tiêu chính của Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tăng cường đầu tư, mở rộng các trạm quan trắc chất lượng không khí và chất lượng nước tự động, liên tục; áp dụng các công nghệ quan trắc mới hướng tới thay thế dần các điểm quan trắc chất lượng không khí, nước mặt định kỳ bằng các trạm quan trắc chất lượng không khí, chất lượng nước tự động, liên tục. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường đầu tư cho công tác quan trắc môi trường đồng bộ và hiện đại.
Hướng đến thực hiện hiệu quả Quy hoạch, tháng 5/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa vào hoạt động Trung tâm Tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và Điều hành mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia.
Hiện Trung tâm tiếp nhận, xử lý, phân tích số liệu quan trắc tự động của 5 dạng dữ liệu gồm: Không khí xung quanh, nước mặt, nước thải, khí thải và nước ngầm từ gần 2.000 Trạm quan trắc môi trường trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua phần mềm Quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động (EnviSoft). Qua đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến địa phương theo dõi diễn biến chất lượng môi trường nước và không khí, đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường không khí các vùng, các địa phương thông qua chỉ số AQI; theo dõi, giám sát hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, khu - cụm công nghiệp thuộc đối tượng phải lắp đặt, truyền số liệu quan trắc tự động, liên tục theo quy định. Hoạt động của Trung tâm giúp nâng cao hiệu quả giám sát các nguồn thải lớn; hỗ trợ công tác công bố, công khai thông tin quan trắc môi trường theo quy định.
Các dữ liệu quan trắc môi trường xung quanh và quan trắc nguồn thải được thu nhận từ các hệ thống quan trắc tự động, liên tục là nguồn thông tin đầu vào tin cậy để phục vụ hiệu quả công tác công bố, công khai thông tin quan trắc môi trường đến các nhà quản lý và người dân. Công việc này được thực hiện thông qua nền tảng web và ứng dụng di động (trên trang web của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, ứng dụng EnviSoft và VNAir). Các dữ liệu về quan trắc nêu trên cũng được kết nối liên thông với Hệ thống thông tin điện tử phục vụ điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Với cơ sở hạ tầng và hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, Trung tâm Tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và Điều hành mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia sẽ đảm nhiệm tốt vai trò đầu mạng của hoạt động quan trắc môi trường trên toàn quốc, tích hợp liên thông đa nguồn dữ liệu, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Cùng với lộ trình phát triển các hệ thống phần mềm, Trung tâm sẽ cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, công khai minh bạch thông tin cho cộng đồng; tiếp tục hỗ trợ đắc lực cho công tác giám sát, kiểm soát ô nhiễm môi trường, tiến đến cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường.