Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu cho biết, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai. Do đó, Luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng; thống nhất trong tổng thể các mối quan hệ pháp lý khác có liên quan đến đất đai.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi để các nhà khoa học trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các chuyên gia đưa ra ý kiến, quan điểm góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cung cấp luận cứ khoa học để Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chắt lọc, xây dựng Báo cáo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu khắc phục những hạn chế của Luật, giải quyết vướng mắc trong thực tiễn thực hiện Luật, góp phần đổi mới quản lý và sử dụng đất, khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Góp ý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng phát triển bền vững trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Tiến sỹ Trần Thị Thu Hương, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng cho biết, so với Luật Đất đai năm 2013, dự thảo đã có nhiều quy định cụ thể hơn, đã bổ sung nhiều điểm mới và khoa học hơn, trong đó: Đã bổ sung quy định về nội dung cần thể hiện trong quy hoạch cấp quốc gia đó là: Khoanh định, bố trí không gian sử dụng đất theo các khu vực (khu vực quản lý nghiêm ngặt việc chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất và khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 63).
Đồng thời dự thảo đã bổ sung nội dung “Khoanh định đất khu đô thị, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ theo hướng tuyến phát triển hạ tầng và điểm kết nối giao thông (đối với quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh); bổ sung căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quốc phòng, an ninh và cấp huyện so với Luật hiện hành, đó là không chỉ dựa trên “nhu cầu sử dụng đất” mà còn phải dựa trên “khả năng sử dụng đất”; bổ sung tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và quốc phòng, an ninh. Quy hoạch không chỉ thể hiện định hướng sử dụng đất trong 10 năm mà còn cần thể hiện tầm nhìn sử dụng đất dài hạn hơn.
Mặc dù dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa ra những nội dung liên quan đến phát triển bền vững nguồn lực đất đai như nguyên tắc sử dụng đất (Điều 6, khoản 2), nhà nước khuyến khích đầu tư và sử dụng đất đai (Điều 9), tuy vậy những nội dung liên quan đến phát triển bền vững tài nguyên đất còn được đề cập khá chung chung, mờ nhạt, trùng lặp trong chương 5 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Tiến sỹ Trần Thị Thu Hương đề xuất bỏ cụm từ “nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả” trong Khoản 2 và làm rõ hơn nội dung Khoản 6 theo hướng không chỉ đặt vấn đề sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh như việc quy hoạch sử dụng đất đai cần phải xác định rõ các vùng đất có giá trị đặc biệt về môi trường, tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa... để bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị của chúng.
Góp ý hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã có nhiều nội dung rất tiến bộ trong việc ứng dụng chuyển đổi số. Đây là điểm rất tích cực trong việc làm minh bạch và công khai thông tin về đất đai. Tuy nhiên, cần có quy định và chế tài rõ hơn trong việc quy định về sàn giao dịch đất đai để có đầy đủ thông tin về giao dịch đất đai làm cơ sở tham chiếu cho việc xác định giá quyền sử dụng đất; tăng cường các quy định về phối hợp cập nhật thông tin, phối hợp quản lý và chia sẻ, khai thác thông tin của sàn giao dịch và các cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về đất đai.
Tại Hội thảo, đại diện 38 đơn vị thuộc, trực thuộc và các nhà khoa học trong, ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng tập trung góp ý vào các nội dung chính như: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, trên không; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể.