Quy định tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký quyết định về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

Quyết định quy định cụ thể thẩm quyền cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế sau: Hội nghị, hội thảo quốc tế có thành viên tham dự là người đứng đầu hoặc quan chức cấp Bộ trưởng hoặc tương đương trở lên của các nước, các vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế; Hội nghị, hội thảo quốc tế có chủ đề, nội dung liên quan đến các vấn đề về chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng, dân tộc, tôn giáo, quyền con người hoặc thuộc phạm vi bí mật nhà nước theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Người có thẩm quyền quyết định việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế của cơ quan, địa phương mình và cho phép các đơn vị tổ chức sau đây được tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế đối với những trường hợp không thuộc quy định nêu trên: Các cơ quan, đơn vị trực thuộc cơ quan của người có thẩm quyền; các cơ quan, tổ chức Việt Nam và nước ngoài do cơ quan của người có thẩm quyền cho phép hoạt động...

Đối với các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, người có thẩm quyền là Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động của hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo danh sách do Bộ Nội vụ quy định.

Đối với hội nghị, hội thảo quốc tế thuộc thẩm quyền cho phép của Thủ tướng Chính phủ, người có thẩm quyền có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao; Bộ Công an; các cơ quan, địa phương liên quan. Cơ quan, địa phương được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; trả lời bằng văn bản cho đơn vị tổ chức, đồng gửi cho Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các cơ quan, địa phương có liên quan để phối hợp quản lý.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hội nghị, hội thảo quốc tế trong cả nước.

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra, bảo đảm các hội nghị, hội thảo quốc tế được tổ chức theo nội dung, đề án đã được phê duyệt; kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, các quy định về thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau hội nghị, hội thảo quốc tế...

Nếu phát hiện việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế có dấu hiệu vi phạm các quy định của Quyết định này, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an hoặc cơ quan quản lý các lĩnh vực liên quan đến nội dung hội nghị, hội thảo quốc tế, địa phương nơi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế có trách nhiệm đề nghị cơ quan của người có thẩm quyền xem xét đình chỉ việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc xử lý theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020 và thay cho Quyết định số 76/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

TTXVN/Báo Tin tức
Quản lý chặt chẽ khách nước ngoài lưu trú, làm việc tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Quản lý chặt chẽ khách nước ngoài lưu trú, làm việc tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Ngày 24/2, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trong công tác rà soát, phát hiện những người nghi mắc dịch COVID-19, quận Hoàn Kiếm tập trung vào các trường hợp người nước ngoài lưu trú, học tập, làm việc trên địa bàn quận, đặc biệt là du khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Ý, Pháp, Trung Quốc và các vùng lãnh thổ Đài Loan, Ma Cao, Hong Kong (Trung Quốc) để quản lý chặt chẽ di biến động hàng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN