Cơ quan nhà nước có thể cung cấp thông tin do mình tạo ra hoặc nắm giữ Luật tiếp cận thông tin bao gồm 5 chương, 37 điều đã được các đại biểu Quốc hội thông qua với tỷ lệ 88,46% tán thành. Luật có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2018. Luật quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện việc tiếp cận thông tin; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Quốc hội họp sáng 6/4. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN |
Báo cáo Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật tiếp cận thông tin của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết qua thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, quy định điều chỉnh đối với công dân Việt Nam và cả người nước ngoài cư trú tại Việt Nam (chuyển từ quy định tại khoản 1 Điều 36 của dự thảo Luật); đồng thời quy định rõ cả việc áp dụng đối với người Việt Nam cư trú tại nước ngoài. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Hiến pháp xác định rõ quyền tiếp cận thông tin là quyền cơ bản của công dân. Do vậy, Luật tiếp cận thông tin thể chế hóa quy định này của Hiến pháp, bảo đảm để công dân nước CHXHCN Việt Nam được thực hiện đầy đủ quyền của mình.
Đối với việc người nước ngoài muốn được tiếp cận thông tin của các cơ quan nhà nước Việt Nam thì phải tùy thuộc vào mục đích và điều kiện, khả năng đáp ứng của các cơ quan nhà nước Việt Nam, nên không thể quy định cứng đây là quyền đương nhiên của người nước ngoài như của công dân Việt Nam. Hơn nữa, trong trường hợp người nước ngoài muốn tiếp cận thông tin của Việt Nam để phục vụ cho việc đầu tư, kinh doanh, du lịch... tại Việt Nam thì trong các văn bản pháp luật chuyên ngành đã có quy định; đồng thời trên các trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đều đăng tải những thông tin cơ bản về các vấn đề này rất thuận lợi để mọi người đều có thể tiếp cận. Do vậy, quy định vấn đề cho phép người nước ngoài được tiếp cận thông tin trong một số trường hợp nên để quy định tại khoản 1 Điều 36 của dự thảo Luật với tính chất là điều khoản áp dụng là phù hợp.
Đối với người Việt Nam cư trú ở nước ngoài, nếu có quốc tịch Việt Nam thì được thực hiện quyền tiếp cận thông tin như công dân trong nước; trường hợp không còn quốc tịch Việt Nam thì thực hiện tiếp cận thông tin theo quy định áp dụng đối với người nước ngoài. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.
Về thông tin công dân không được tiếp cận (Điều 6), tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho bỏ nội dung quy định “ý kiến của các chuyên gia trong quá trình hoạch định chính sách” và thể hiện tại khoản 2 Điều 6 của dự thảo Luật: "Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ."
Đối với ý kiến đề nghị bổ sung quy định đối với các cơ quan nhà nước, ngoài việc cung cấp thông tin do mình tạo ra, còn phải cung cấp thông tin do mình nắm giữ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận thông tin. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, để bảo đảm tính khả thi của Luật, tính chính xác của thông tin được cung cấp cũng như phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước và không tạo kẽ hở cho việc lạm dụng yêu cầu cung cấp thông tin, dự thảo Luật quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm (bắt buộc) cung cấp thông tin do mình tạo ra. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định khuyến khích cơ quan nhà nước tùy theo điều kiện, khả năng thực tế của mình có thể cung cấp thông tin khác do cơ quan mình tạo ra và nắm giữ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn (khoản 4 Điều 23 của dự thảo Luật). Luật quy định: Ngoài thông tin quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này, căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện và khả năng thực tế của mình, cơ quan nhà nước có thể cung cấp thông tin khác do mình tạo ra và nắm giữ.
Chứng chỉ hành nghề dược được cấp 1 lần Với 88,06% đại biểu tán thành, Luật dược (sửa đổi) gồm 14 chương 116 điều đã được Quốc hội thông qua. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.
Luật quy định về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; hành nghề dược; kinh doanh dược; đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc và nguyên liệu làm thuốc; dược liệu và thuốc cổ truyền; đơn thuốc và sử dụng thuốc; thông tin thuốc, cảnh giác dược và quảng cáo thuốc; dược lâm sàng; quản lý thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thử thuốc trên lâm sàng và thử tương đương sinh học của thuốc; quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và quản lý giá thuốc. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động dược tại Việt Nam.
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đối với ý kiến đề nghị bổ sung quy định Nhà nước có chính sách quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực; chính sách khuyến khích phát triển chuỗi nhà thuốc; khuyến khích đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dược, tiếp cận sớm thông tin về danh sách biệt dược gốc, sinh phẩm sắp hết hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, dữ liệu thử nghiệm lâm sàng. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các vấn đề này tại các khoản 3, 9 và 11 Điều 7.
Về thời hạn của chứng chỉ hành nghề dược, dự thảo Luật quy định chứng chỉ hành nghề được cấp 1 lần trên cơ sở thống nhất của 62,67% đại biểu Quốc hội trả lời phiếu xin ý kiến. Với các quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề khi không cập nhật kiến thức chuyên môn liên tục (khoản 9 Điều 28) và các biện pháp hậu kiểm khác sẽ bảo đảm tính khả thi của quy định này.
Quy định hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6) có ý kiến đề nghị bổ sung quy định "cấm kinh doanh thuốc không được bảo quản đúng quy định", "cấm nhập khẩu dược liệu đã qua chiết xuất". Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cấm kinh doanh thuốc không được bảo quản đúng quy định ghi trên nhãn thuốc tại khoản 14 Điều 6. Đồng thời, quy định dược liệu đã bị cố ý chiết xuất hoạt chất được coi là dược liệu giả tại khoản 34 Điều 2 và bị cấm kinh doanh tại khoản 5 Điều 6. Một số ý kiến đề nghị Luật quy định về thực phẩm chức năng và mỹ phẩm bằng một chương riêng hoặc quy định cụ thể hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến thực phẩm chức năng. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 1068/BC-UBTVQH13. Để xử lý tình trạng tiếp thị, quảng cáo thực phẩm chức năng quá mức gây hiểu lầm cho người dùng, dự thảo Luật bổ sung quy định “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể đối với các sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế” tại khoản 15 Điều 6.
Về ý kiến đề nghị tách quy định cấm hành vi kinh doanh thuốc giả và thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng thành 2 điểm; đề nghị chỉ quy định cấm thay đổi, sửa chữa hạn dùng của thuốc, trường hợp vì an ninh, an toàn của quốc gia, của cộng đồng; đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường khi người bệnh đã sử dụng thuốc giả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu và thể hiện tại khoản 5, khoản 7 Điều 6 và tại điểm d khoản 2 Điều 42 của dự thảo Luật.
Nhiều sửa đổi, bổ sung liên quan đến luật về thuế