Đại biểu Bùi Đức Thụ phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Theo đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài Chính - Ngân sách của Quốc hội, sự đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan, ủy ban của Quốc hội đã giúp nhiệm kỳ Quốc hội 2011 - 2016 có những thay đổi về chất; vị thế, vai trò của Quốc hội được nâng lên.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các ủy ban của Quốc hội, đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng cần tăng cường việc cung cấp và tiếp nhận thông tin. Theo đại biểu, nếu các ủy ban của Quốc hội không cập nhật được các hoạt động của chính phủ, không nắm bắt được diễn biến tình hình thực tiễn cuộc sống sẽ khó có thể kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề đổi mới về chính sách vĩ mô, trung và dài hạn.
Vấn đề này cần cả vai trò cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng đồng thời là sự sâu sát với thực tiễn của các ủy ban và đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng, các ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội chuyên trách phải nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, căn cứ vào những vấn đề thực tiễn, những bức xúc của người dân, từ đó tập trung giám sát, yêu cầu chính phủ, các cơ quan chức năng giải trình rõ về vấn đề đó. Nếu những vấn đề lớn, quan trọng có thể kiến nghị Quốc hội xem xét, có báo cáo chuyên đề hoặc ra nghị quyết riêng.
Để tiến tới một Quốc hội chuyên nghiệp, hiệu quả, ông Bùi Đức Thụ cho rằng cần tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách và yêu cầu đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách phải cao hơn ở tính chuyên nghiệp, trình độ năng lực để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, lĩnh vực hoạt động của các ủy ban rất rộng, trong khi số lượng đại biểu chuyên trách còn ít, thời gian hạn chế nên hơn lúc nào hết, các ủy ban của Quốc hội cần lựa chọn những vấn đề nóng, cấp bách, đang là nút thắt, cản trở sự phát triển về công tác tổ chức, quản lý điều hành của cơ quan Nhà nước để xem xét, đề xuất với Quốc hội có quyết định về những vấn đề đó, tránh tình trạng dàn trải, thiếu hiệu quả.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng để hoạt động của các ủy ban của Quốc hội được hiệu quả, trước hết đại biểu Quốc hội chuyên trách phải có chất lượng, có năng lực thực tiễn vì công tác lập pháp, ban hành pháp luật là nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn cuộc sống, chứ không chỉ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, lý luận.
Vì vậy, đại biểu Quốc hội chuyên trách phải gắn bó, va chạm, trưởng thành từ thực tiễn, nhất là với thực tiễn trong lĩnh vực mình phụ trách; đồng thời biết khái quát, nâng tầm từ thực tiễn lên để xây dựng thành các luật, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, đảm bảo tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật trên thực tiễn, tạo ra sự thay đổi về chất lượng hoạt động pháp luật.
Bên cạnh tiêu chuẩn về năng lực, thực tiễn công tác, đại biểu Quốc hội chuyên trách phải dám nói, dám làm để có chất lượng công việc tốt. Việc đánh giá các đại biểu cần dựa trên cơ sở các sản phẩm công vụ, công việc cụ thể, chất lượng phát biểu, đưa ý kiến, tham mưu cho Quốc hội.
Bên cạnh việc cơ cấu đại biểu để đảm bảo có đủ đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các lĩnh vực, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, trong thời gian tới, việc bầu đại biểu Quốc hội chuyên trách phải có những tiêu chuẩn rõ ràng, phải đánh giá được những sản phẩm công vụ của đại biểu, chứ không nên nặng về bằng cấp, cơ cấu, độ tuổi... vì Đảng, Nhà nước, nhân dân cần những người có năng lực thực sự, người cống hiến, gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân, nói lên được tiếng nói của người dân và khách quan trong việc đưa ra ý kiến.
Đồng thời, những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội có đủ năng lực, trình độ, uy tín, tâm huyết cũng cần được giới thiệu vào các ủy ban, chứ không nên chỉ cơ cấu do các cơ quan, đơn vị giới thiệu đại biểu. Đối với chức danh Chủ nhiệm Ủy ban không chỉ là người điều hành, tổ chức nghiên cứu, phản biện, mà còn phải kết luận được vấn đề, đưa ra ý kiến tham mưu của ủy ban tới Quốc hội; phải thực sự có trình độ để trả lời những thắc mắc của đại biểu Quốc hội và thực hiện, tổ chức tốt chức năng giám sát của Quốc hội.
Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, muốn các ủy ban hoạt động hiệu quả hơn cần phải tăng số lượng ủy viên thường trực để có đủ thời gian, khả năng thực hiện tốt khối lượng công việc rất lớn được giao.
Ông Nguyễn Sỹ Cương cho biết, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII rất vất vả với các ủy ban vì sau khi Hiến pháp được ban hành, rất nhiều luật mới cần được thông qua. Khối lượng công việc là rất lớn trong khi số lượng ủy viên thường trực của các ủy ban còn hạn chế.
Bên cạnh số lượng thì chất lượng ủy viên thường trực ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của các ủy ban. Nếu không chọn được những chuyên gia trong lĩnh vực công tác của ủy ban thì rất khó đảm đương được công việc, nhiệm vụ. Có những ủy ban mang tính chuyên ngành rất cao nhưng thành viên của ủy ban thì lại ít người có kinh nghiệm, quá trình công tác trong lĩnh vực đó.
Lĩnh vực công tác, nhiệm vụ của Quốc hội rất rộng, vì vậy các ủy viên Thường trực của ủy ban phải đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu, lắng nghe, tham khảo ý kiến chuyên gia, nếu không sự tham gia sẽ rất hạn chế. Ví dụ, sắp tới thẩm tra dự án về tham gia Hiệp định TPP có rất nhiều lĩnh vực khác nhau nên đòi hỏi các Ủy viên Thường trực nếu không có kiến thức chuyên sâu phải tham khảo ý kiến của chuyên gia trong các lĩnh vực, từ đó đối chiếu, so sánh, đưa ra các ý kiến chất lượng.
Để tránh tình trạng "đẽo cày giữa đường", đồng thời với việc tham khảo ý kiến chuyên gia, các ủy viên Thường trực phải có quan điểm, chính kiến của mình, đảm bảo sự khách quan. Vì vậy phải lựa chọn được những đại biểu chất lượng, có bản lĩnh vào các ủy ban của Quốc hội.