Quảng Trị: Khắc phục khó khăn, thực hiện tốt công tác sắp xếp các đơn vị hành chính

Chiều 27/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm trưởng đoàn, đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị về việc thực hiện các Nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Chú thích ảnh
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại buổi làm việc.

Thực hiện Nghị quyết số 832/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Trị, tỉnh đã sắp xếp 33 xã, thị trấn thành 17 xã, thị trấn (giảm 16 xã). Hiện địa phương có 2 đơn vị hành chính cấp huyện, 9 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp theo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2019-2021, nhưng được tỉnh đề nghị chưa sắp xếp do các yếu tố đặc thù. Theo đó, 2 đơn vị hành chính cấp huyện gồm huyện đảo Cồn Cỏ, thị xã Quảng Trị và 9 đơn vị hành chính cấp xã gồm: phường An Đôn (thị xã Quảng Trị); xã Hải Khê (huyện Hải Lăng); xã Triệu Vân, xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong); xã Trung Giang (huyện Gio Linh); xã Vĩnh Thái, xã Vĩnh Khê, thị trấn Bến Quan (huyện Vĩnh Linh); xã Xy (huyện Hướng Hóa). Lý do những đơn vị này chưa đề nghị sắp xếp do đặc thù về truyền thống, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, quốc phòng, an ninh.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết một số khó khăn mà địa phương đang gặp phải khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính như: Số lượng cán bộ, công chức của các xã, thị trấn sau khi sắp xếp nhiều, phải thực hiện tinh giản dần theo lộ trình nên không thể bố trí về một trụ sở. Trước mắt, hầu hết các xã, thị trấn mới được sắp xếp đều sử dụng cơ sở vật chất và trụ sở làm việc của các xã cũ.

Hiện nay, còn 121 cán bộ, công chức dôi dư sẽ được tiếp tục giải quyết chế độ theo lộ trình. Trong khi đó, số cán bộ công chức dôi dư này hầu hết tuổi đời còn trẻ, có trình độ chuyên môn, năng lực công tác tốt nên việc giải quyết tinh giản gặp nhiều khó khăn. Quá trình triển khai lấy ý kiến của cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Để lấy được ý kiến, cán bộ các xã, thôn phải đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động, trực tiếp phát và thu phiếu lấy ý kiến...

Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Trị đã đề xuất Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí để xây dựng trụ sở mới ở các xã, thị trấn mới thực hiện sắp xếp. Qua đó, góp phần đảm bảo quy mô làm việc, tạo thuận lợi cho cán bộ, nhân dân khi đến giao tiếp, giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ có chính sách tinh giản biên chế riêng đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng ưu đãi hơn so với chính sách tinh giản biên chế hiện nay. Từ đó, có thể đảm bảo cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, những người hoạt động không chuyên trách sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính…

Sau khi nghe báo cáo tình hình thực hiện các nghị quyết về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính tại Quảng Trị, Đoàn giám sát cũng đã tiếp thu, ghi nhận những đề xuất, kiến nghị thực tế của tỉnh để trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đánh giá cao những kết quả trong công tác sắp xếp các đơn vị hành chính của tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, Quảng Trị cần hoàn thiện báo cáo chính thức để sớm gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tỉnh tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về các nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhấn mạnh những hiệu quả, thuận lợi mà người dân được thụ hưởng sau 2 năm sắp xếp lại đơn vị hành chính. Đây là cách tuyên truyền có tính thuyết phục cao để tạo tiền đề cho việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, địa phương cần tiếp tục quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân, chú trọng đến tâm tư, tình cảm của người dân sau sáp nhập; nghiên cứu kỹ lưỡng về chiến lược, quy hoạch phát triển đồng bộ của tỉnh, có lộ trình trong giai đoạn trước mắt và lâu dài sát với tình hình thực tế của địa phương. Về vấn đề sắp xếp con người, tỉnh cần rà soát lại nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo bài bản để có cơ chế hỗ trợ tiếp tại các đơn vị với công việc phù hợp; quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chuẩn hóa một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất với phương châm “Thiếu gì thì bồi dưỡng đó” về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ…

Sáng cùng ngày, đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại phường An Đôn, thị xã Quảng Trị và xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh…

Tiin, ảnh: Thanh Thủy (TTXVN)
Đề xuất kiến nghị cụ thể để thực hiện hiệu quả chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính
Đề xuất kiến nghị cụ thể để thực hiện hiệu quả chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính

Theo Thông báo số: 786/TB-TTKQH Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo kết quả bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với kết quả bước đầu của cuộc giám sát và dự kiến Kế hoạch khảo sát tại địa phương của Đoàn giám sát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN