Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Giám sát việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, sáng 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021" và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng

Theo Báo cáo của Đoàn Giám sát, trong giai đoạn 2019 - 2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã.

Qua sắp xếp, đã rà soát, bố trí sử dụng những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp và thực hiện tinh giản đối với những người không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời chủ động thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Theo báo cáo của Chính phủ, qua sắp xếp đã tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng, trong đó giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132,63 tỷ đồng và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng.

Báo cáo của Chính phủ và đa số địa phương cho thấy, ngay sau khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực, các cơ quan hành chính, cơ quan thuộc khối Đảng, đoàn thể ở địa phương được sắp xếp đã đi vào hoạt động ổn định; các cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương cũng được kiện toàn đồng bộ với việc sắp xếp các đơn vị hành chính. Các đơn vị sự nghiệp công lập (trạm y tế, trường học) được sắp xếp, kiện toàn hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và bảo đảm phục vụ nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn giám sát cho biết, việc sắp xếp, ổn định bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở các địa phương đã bảo đảm yêu cầu tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Số lượng cơ quan, tổ chức, số biên chế đã được giảm tương ứng với việc giảm số lượng đơn vị hành chính, góp phần thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy theo yêu cầu tại nghị quyết của Trung ương.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chính phủ và các địa phương đều quyết tâm hoàn thành việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách trong năm 2021 để bảo đảm đồng bộ với việc tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp.

Đến hết năm 2021, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư còn phải tiếp tục sắp xếp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với số lượng dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động đã được thực hiện theo đúng quy định. Nhiều địa phương đã ban hành quy định riêng để hỗ trợ thêm cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Một số địa phương cho rằng, do số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp khá lớn, nhất là các địa phương có nhiều đơn vị hành chính được sắp xếp, nên không thể hoàn thành việc bố trí, sắp xếp vị trí mới, hay cho nghỉ việc trong thời gian ngắn.

Việc thực hiện chế độ, chính sách ở một số địa phương còn lúng túng do các văn bản quy định chưa thật đầy đủ; chưa có cơ chế tài chính để khuyến khích các trường hợp chưa đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi hoặc có nhu cầu thôi việc để chờ nghỉ hưu. Chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách khi thôi việc chưa đủ để hỗ trợ cho các đối tượng này ổn định cuộc sống hay bắt đầu công việc khác.

"Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý hơn đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính; đồng thời có hình thức hỗ trợ, phân bổ nguồn lực cho các địa phương để thực hiện công tác này", ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá báo cáo đã phản ánh các kết quả đạt được về sắp xếp bộ máy; tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc trong công tác chỉ đạo điều hành, tiết giảm kinh phí chi thường xuyên… cũng như định hướng triển khai sắp tới.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trên cơ sở phản ánh của cử tri Quảng Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị quan tâm đến đánh giá chất lượng sắp xếp. "Trong sắp xếp tổ chức bộ máy, huyện này với huyện kia, xã này với xã kia, thậm chí xã, phường ở nông thôn với thành thị thì chất lượng sắp xếp như thế nào? Sắp xếp các đơn vị hành chính như thế đã hợp lý chưa để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của các đơn vị chứ không phải sắp xếp một cách cơ học, chưa đủ tiêu chí về diện tích, dân số thì 'ép' lại. 'Ép' như vậy thì chất lượng sau sắp xếp ra sao?", ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị quan tâm đến số cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện, cán bộ không chuyên trách dôi dư còn lớn và cho rằng phải có chính sách đặc thù cho cán bộ dôi dư. Ông Thanh lưu ý, Đoàn giám sát cần nghiên cứu thực trạng sắp xếp các đơn vị y tế, giáo dục trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khi năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở còn nhiều vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, điều kiện cần để thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã là dựa vào tiêu chí về diện tích, dân số; điều kiện đủ là phải căn cứ vào vị trí địa lý, hoàn cảnh lịch sử, phong tục tập quán, dân tộc, tôn giáo, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Quá trình thực hiện phải bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân. Mục tiêu cuối cùng là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tiết kiệm kinh phí, tiết kiệm biên chế.

Mỗi địa phương khi thực hiện sắp xếp đều phải ban hành đề án riêng, rất công phu, đánh giá tác động nhiều chiều. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mục tiêu của Đoàn giám sát hướng đến là đánh giá sự đồng thuận của nhân dân, năng lực hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh như thế nào, điều kiện cung cấp dịch vụ công có phù hợp với đặc thù từng địa phương, từng đơn vị.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ phụ trách trực tiếp liên quan đến lĩnh vực này như Bộ Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Công an, Quốc phòng có báo cáo đánh giá thêm; từ đó, rút ra kinh nghiệm. Đáng lưu ý, thông qua đó đánh giá, mục tiêu Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị; Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã phù hợp chưa, kiến nghị sửa đổi như thế nào cho phù hợp; đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, có gì cần rút kinh nghiệm.

Qua quá trình giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đã nêu một vài vấn đề nổi lên. Đó là việc giải quyết chính sách cho cán bộ. Theo ông Thực, đây là vấn đề rất quan trọng, tạo ổn định lâu dài; phải có một chính sách đồng bộ, thống nhất. Các cơ quan chức năng và các cơ quan chuyên môn phải có ý kiến sâu hơn về nội dung này.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bên cạnh đó, trong quá trình sắp xếp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, phải quan tâm đến thủ tục hành chính khi 2 xã nhập lại thành 1; trong đó, cần đẩy mạnh dịch vụ công, nhất là vùng miền núi. Đồng thời, những dịch vụ này phải đưa về gần với dân hơn, tức là về với khu dân cư. "Nếu công nghệ, kỹ thuật số, Chính phủ số được đẩy mạnh, ứng dụng ngay tại những xã được sáp nhập thì sẽ chứng minh được sự ưu việt trong sáp nhập, tránh việc người dân, nhất là người dân ở vùng miền núi phải đi xa hơn khi đi làm thủ tục hành chính", ông Thực nhấn mạnh.

Phan Phương (TTXVN)
Khai mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Khai mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 10/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 9. Theo dự kiến chương trình phiên họp diễn ra theo hai đợt. Đợt 1 diễn ra trong 3,5 ngày, từ 10-16/3/2022 và đợt 2 diễn ra trong 4 ngày, từ 22-25/3/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN