Sắp xếp các đơn vị hành chính bước đầu đã đem lại hiệu quả

Sáng 14/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận kết quả bước đầu trong việc thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và cấp xã, ngày 12/3/2019, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã.  

Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Về tình hình thực hiện chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã.  

Tuy nhiên, Đoàn giám sát nhận thấy việc sắp xếp đơn vị hành chính ở một số địa phương có chậm hơn so với tiến độ theo kế hoạch. Trách nhiệm trong việc chậm trễ này có phần là do nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác sắp xếp đơn vị hành chính còn hạn chế; chưa thật sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai thực hiện chủ trương, quy định về sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn.

Liên quan đến việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động đã được thực hiện đúng quy định.  

Tuy nhiên, một số địa phương cho rằng, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp lớn, nhất là các địa phương sắp xếp nhiều đơn vị hành chính nên không thể làm trong thời gian ngắn. Việc thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở một số địa phương còn lúng túng. Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có sự nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý hơn đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Về việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị; đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn tưởng triển khai việc lập, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch theo quy định; các địa phương cần có kế hoạch, dự kiến phân bổ nguồn lực, kinh phí hợp lý cho công tác lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị và việc đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, để có cơ sở phân tích, đánh giá sâu hơn về hiệu quả của việc sắp xếp ĐVHC trên từng khía cạnh, Đoàn giám sát đã có văn bản đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cung cấp thêm thông tin liên quan cho Đoàn giám sát. Nhấn mạnh về việc sắp xếp lại cán bộ dôi dư, nhất là cán bộ cấp xã, phường, nhiều đại biểu cho rằng cần có đánh giá cụ thể và có chính sách với cán bộ cấp cơ sở.

“Việc sắp xếp trong lĩnh vực y tế, giáo dục tiếp tục nghiên cứu thêm. Do thời gian ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã có khó khăn như thế nào trong công tác phòng, chống dịch”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Đánh giá chung tính hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Đã tinh gọn được tổ chức bộ máy thông qua việc giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; sau khi sắp xếp, trên cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Đã rà soát, bố trí sử dụng những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp và thực hiện tinh giản đối với những người không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đã chủ động thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Về ngân sách nhà nước, theo báo cáo của Chính phủ, đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019-2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng. Về hiệu quả của công tác quản lý nhà nước: Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cơ bản đạt kết quả tốt, bảo đảm các chỉ tiêu đề ra; đồng thời, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Phát biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là 1 trong 2 chuyên đề giám sát của UBTVQH. Đây cũng là 1 trong 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội nói chung (gồm Quốc hội và UBTVQH). Mục đích của cuộc họp này nhằm đánh giá sơ bộ kết quả bước đầu đạt được, rà soát lại kế hoạch chi tiết, để cương, cách làm để đảm bảo chuyên đề giám sát đạt được kết quả tốt nhất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao cách thức triển khai của Đoàn giám sát bài bản, báo cáo tóm tắt kết quả bước đầu rất tốt.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý trên cơ sở tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 - 2021, Chính phủ có kiến nghị, đề xuất về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 653 trong khi chưa có văn bản mới thay thế; việc sửa đổi các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn của ĐVHC, phân loại đô thị và sắp xếp ĐVHC; việc kéo dài thời hạn đánh giá lại phân loại đô thị từ 5 năm thành từ 5 - 10 năm đối với các ĐVHC đô thị và việc xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030…

Đoàn giám sát sẽ tiếp tục nghiên cứu, phân tích các kiến nghị của Chính phủ và các địa phương để trao đổi, làm rõ hơn khi làm việc với các cơ quan. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc xây dựng Quy hoạch tổng thể ĐVHC theo yêu cầu của Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị; các nguyên tắc, tiêu chí sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2022 - 2030; việc ban hành Nghị quyết mới của UBTVQH làm cơ sở cho việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2030; việc nghiên cứu, sửa đổi các quy định của Nghị quyết số 1211 bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và bảo đảm tính ổn định, lâu dài của các ĐVHC; việc nghiên cứu, sửa đổi các quy định của Nghị quyết số 1210 về phân loại đô thị để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tạo cơ sở pháp lý để thực hiện việc sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2022 - 2030. 

V.Tôn/Báo Tin tức
Khai mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Khai mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 10/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 9. Theo dự kiến chương trình phiên họp diễn ra theo hai đợt. Đợt 1 diễn ra trong 3,5 ngày, từ 10-16/3/2022 và đợt 2 diễn ra trong 4 ngày, từ 22-25/3/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN