Cơn bão số 9 và lũ lụt đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản. Theo thống kê sơ bộ đến 10 giờ 30 phút ngày 30/10, toàn tỉnh có 194 nhà bị sập, đổ; 100.816 nhà ở, 164 trường học, 68 cơ sở y tế, 23 nhà văn hóa thôn bị hư hại; gần 1.300 ha cây ăn quả, keo bị gãy đỗ, 650 ha đất ruộng bị sa bồi thủy phá; 65 công trình thủy lợi bị bồi lấp.
Bên cạnh đó, đã có 7.770m kênh mương bị sạt, trôi, hư hỏng; 22 tuyến giao thông bị hư hỏng, sạt lở; 1 cầu bị cuốn trôi, vùi lấp; 49 cột điện, đèn bị gãy đỗ, hư hỏng; 4 vị trí sạt lở bờ biển với tổng giá trị thiệt hại ước tính 3.200 tỷ đồng.
Hiện ngân sách tỉnh Quảng Ngãi rất hạn hẹp, hụt thu, mất cân đối gần 5.000 tỷ đồng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, do đó UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ khẩn cấp khoảng 590 tỷ để kịp thời hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống, vượt qua khó khăn trước mắt.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị hỗ trợ khẩn cấp 20 tỷ đồng để mua giống cây trồng các loại phục vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021; 200 tỷ đồng để khôi phục nhà ở, ổn định đời sống, sửa chữa các công trình công cộng thiết yếu phục vụ dân sinh, hỗ trợ giống gia súc, gia cầm để tái đàn, hỗ trợ khôi phục các công trình thủy lợi bị bồi lấp, sạt lở đảm bảo phục vụ nước tưới tiêu; 100 tỷ đồng được dành để để khôi phục đường bước 1 giao thông, cầu, cống và các công trình công cộng; 270 tỷ đồng để đầu tư kè biển chống sạt lở ở huyện Bình Sơn và thị xã Đức Phổ do bở biển liên tục bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng của nhiều hộ dân và các công trình công cộng khác.
Quảng Ngãi còn đề nghị hỗ trợ 100 cơ số thuốc y tế, 5.000 kg Chloramin B bột, 50.000 viên Aqutabs để khám, chữa bệnh cho nhân dân, tiêu độc khử trùng, xử lý ô nhiễm môi trường các vùng bị ngập lũ, phòng chống dịch, bệnh.