Các tân binh Quận Ba Đình phấn khởi lên đường nhập ngũ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Theo thông tin từ Bộ Công an, năm nay, nguồn tuyển đạt khoảng 103% so với chỉ tiêu được giao; lực lượng Công an đảm bảo cả 2 chỉ tiêu tuyển quân đối với nam và nữ theo chỉ đạo của Chính phủ; chất lượng công dân được tuyển chọn nhìn chung cao hơn những năm trước.
Năm 2025, tỷ lệ công dân có trình độ đại học, cao đẳng và là đảng viên đăng ký thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân tăng cao hơn so với các năm trước; trong đó công dân có trình độ đại học đạt 10,7% so với tổng chỉ tiêu, cao đẳng đạt 7,4%.
Trước ngày diễn ra lễ giao nhận quân, các địa phương đã quan tâm, chăm lo vật chất, động viên tinh thần cho thanh niên lên đường nhập ngũ; gặp mặt động viên, chăm lo giúp đỡ kịp thời, thiết thực để các tân binh an tâm làm nhiệm vụ. Năm nay, Bộ trưởng Bộ Công an đã phân công các Thứ trưởng, đại diện các đơn vị tới các địa phương chỉ đạo và tham gia lễ giao nhận quân.
Sáng 13/2, Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và động viên các tân binh Công an nhân dân nghĩa vụ tại quận Đống Đa, Hà Nội... Các đại biểu, lãnh đạo đã động viên, bày tỏ tin tưởng, các bạn trẻ sẽ phát huy truyền thống của quê hương, truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước, phát huy phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, Công an nhân dân; nỗ lực phấn đấu về mọi mặt, ra sức học tập, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Về chương trình huấn luyện, công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân sẽ được huấn luyện theo một trong bốn Chương trình khung huấn luyện của Bộ Công an, thuộc lực lượng Cảnh sát cơ động; Cảnh vệ; Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Công dân thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân sẽ được tham gia các chương trình, kế hoạch huấn luyện của Bộ Công an, bao gồm: trang bị các kiến thức cơ bản về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cơ sở, điều lệnh, quân sự, võ thuật Công an nhân dân; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân; trang bị, vận dụng được kiến thức nghiệp vụ chuyên môn theo lĩnh vực nhiệm vụ, công tác được giao; rèn luyện thể lực, ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật.
Cùng với đó, tham gia học tập, sinh hoạt ngoại khóa như: Giáo dục truyền thống, thực hành các tình huống báo động hành quân dã ngoại, thực hiện các phương án tác chiến… nhằm định hình hành động, rèn thói quen và kỹ năng sẵn sàng chiến đấu. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, chiến sĩ mới sẽ được phân công về Công an các đơn vị, địa phương để thực hiện các nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định.
Cùng với công tác huấn luyện, từ năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành, triển khai Đề án về "Dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân xuất ngũ giai đoạn 2023 đến 2030". Trong đó, các cơ sở đào tạo nghề trong Công an nhân dân tạo điều kiện bố trí chỗ ở, hỗ trợ chi phí đào tạo cho hạ sĩ quan nghĩa vụ Công an nhân dân sau khi xuất ngũ, đảm bảo chi phí đào tạo trong Công an nhân dân thấp hơn các cơ sở đào tạo nghề ngoài xã hội.
Công an các đơn vị, địa phương xây dựng cơ chế phối hợp, tạo "đầu ra" đảm bảo gắn kết giữa đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm, tạo cơ hội cho hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân ổn định cuộc sống sau khi xuất ngũ như: Tư vấn, định hướng nghề nghiệp khi chuẩn bị xuất ngũ; hỗ trợ, giới thiệu việc làm sau khi học nghề và khi trở về địa phương; vận động số công dân đã hoàn thành nghĩa vụ Công an nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định...