Quan hệ Việt - Ấn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong mối quan hệ Ấn Độ với ASEAN

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, trước thềm chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập Quan hệ Đối thoại giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Ấn Độ và dự Lễ kỷ niệm lần thứ 69 Ngày Cộng hòa Ấn Độ, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã có cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho TTXVN về quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ trong 25 năm qua cũng như ý nghĩa chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần này (từ 24-26/1).

Đại sứ Tôn Sinh Thành trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Ấn Độ. 

Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết: Trong 25 năm qua, quan hệ ASEAN - Ấn Độ không ngừng phát triển và mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, an ninh cho đến lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Quan hệ giữa ASEAN - Ấn Độ đã được nâng cấp nhanh chóng từ quan hệ Đối tác đối thoại bộ phận vào năm 1992 lên quan hệ Đối thoại đầy đủ vào năm 1995. Hai bên bắt đầu tổ chức các Hội nghị Cấp cao hàng năm từ 2002. Đến năm 2012, ASEAN và Ấn Độ thiết lập quan hệ Đối thoại Chiến lược. Năm 2017, hai bên đã thiết lập Quan hệ đối thoại được 25 năm, cơ chế hội nghị cấp cao được 15 năm và Quan hệ Đối thoại Chiến lược được 5 năm.

Về chính trị-an ninh, Ấn Độ đã tham gia vào hàng loạt các cơ chế như Hội nghị Sau Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với đối tác đối thoại (PMC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+),… Các cơ chế hợp tác này đã giúp hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chính trị-an ninh.

Ấn Độ đã tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và ký Tuyên bố chung về Hợp tác Chống khủng bố quốc tế từ năm 2003. Hai bên cũng đã thông qua Tuyên bố Đối tác ASEAN - Ấn Độ vì Hòa bình, Tiến bộ và Thịnh vượng chung năm 2004. Hai bên cũng liên tục triển khai các Kế hoạch hành động giai đoạn 2004-2010, 2010-2015, 2015-2020.

Về kinh tế, ASEAN và Ấn Độ đã ký Hiệp định về tự do hàng hóa vào năm 2009 và Hiệp định về Thương mại trong lĩnh vực Dịch vụ và Đầu tư năm 2014. Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Đối thoại đến nay, thương mại hai chiều ASEAN - Ấn Độ tăng 25 lần, từ 2,9 tỷ USD năm 1993 lên 76 tỷ USD năm 2017. Đầu tư trực tiếp giữa ASEAN và Ấn Độ cũng tăng mạnh trong vòng 25 năm qua, cho đến năm 2017, ASEAN đầu tư 70 tỷ USD vào Ấn Độ và tiếp nhận 40 tỷ USD từ Ấn Độ.

Về du lịch, số lượng khách Ấn Độ đến ASEAN và ngược lại tăng nhanh chóng, tốc độ 7% năm. Cụ thể, nếu năm 2014 có khoảng 3 triệu lượt du khách Ấn Độ đến các nước ASEAN, năm 2015 tăng lên khoảng 3,3 triệu lượt. ASEAN là thị trường du lịch lớn thứ 4 của Ấn Độ trong khi đó lượng khách ASEAN đến Ấn Độ lớn thứ 7 so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Về văn hóa-xã hội, hợp tác của hai bên được mở rộng trên nhiều lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân, báo chí, học giả, thanh niên, giáo dục… Ấn Độ cũng tích cực đóng góp đối với việc thực hiện các sáng kiến hội nhập khu vực của ASEAN.

Đại sứ Tôn Sinh Thành còn cho biết: ASEAN đóng vai trò quan trọng, chủ chốt trong "Chính sách hướng Đông", được nâng cấp lên thành "Chính sách hành động hướng Đông" hiện nay của Chính phủ Ấn Độ. "Chính sách hành động hướng Đông" có mức độ, phạm vi rộng hơn "Chính sách hướng Đông" trước đây, không chỉ tập trung tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á mà còn mở rộng ra cả các nước Đông Bắc Á, Australia, New Zealand. "Chính sách hành động hướng Đông" tăng cường sự can dự nhiều mặt của Ấn Độ đối với ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy hội nhập kinh tế, hợp tác chính trị-an ninh và đối thoại văn hóa-xã hội với các nước trong khu vực.

Tuy vậy, ASEAN vẫn giữ vai trò hạt nhân, ngày càng quan trọng trong "Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ" bởi những lý do sau: Thứ nhất, ASEAN là khu vực sát sườn phía Đông của Ấn Độ, có chung biên giới trên bộ với khu vực Đông Bắc của Ấn Độ, là láng giềng trên biển của Ấn Độ và có các mối liên kết về lịch sử, văn hóa, tôn giáo từ lâu đời với Ấn Độ. Thứ hai, ASEAN là khu vực phát triển năng động, đóng vai trò trung tâm và dẫn dắt trong cấu trúc an ninh hợp tác khu vực. Hơn nữa, ASEAN luôn coi Ấn Độ là một đối tác tự nhiên và tin cậy trong khu vực trong khi Ấn Độ có mối quan hệ tốt không chỉ với cả khối mà với từng quốc gia. Đó là những điều kiện cơ bản để thúc đẩy Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Ấn Độ và ASEAN trở nên vững mạnh và sâu sắc hơn.

Đại sứ Tôn Sinh Thành nhấn mạnh trong mối quan hệ của Ấn Độ với ASEAN thì quan hệ Việt Nam - Ấn Độ chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu. Phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện và sự tin cậy vốn có giữa hai nước, Việt Nam đã làm tốt vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2015-2018, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy hai bên hoàn thành nhiều chương trình hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.


Về việc Ấn Độ lần đầu tiên mời lãnh đạo tất cả 10 nước ASEAN tham dự Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng đây là sự kiện chưa từng có trong lịch sử kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ. Điều này nói lên vị trí, vai trò quan trọng của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Hơn nữa, điều đó cũng thể hiện mong muốn của Ấn Độ về một hình ảnh ASEAN thống nhất, đoàn kết trong quan hệ với Ấn Độ.

Việc nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các quốc gia Đông Nam Á dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 15 năm đối thoại cấp cao ASEAN - Ấn Độ và hàng loạt các sự kiện bên lề như Hội nghị Kinh doanh và Đầu tư, Hội nghị Dệt may ASEAN - Ấn Độ, Diễn đàn doanh nghiệp Mekong - Hằng Hà... là một bước thúc đẩy, tăng cường hợp tác giữa hai bên lên tầm cao hơn, sâu sắc hơn.

Trong bối cảnh ấy, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết thêm Việt Nam là một trong những nước đầu tiên nhận lời mời thăm Ấn Độ khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm Ấn Độ với tư cách là khách mời chính trong Lễ Ngày Cộng hòa và sẽ tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN - Ấn Độ, thể hiện sự coi trọng mối quan hệ với Ấn Độ và vai trò điều phối tích cực của phía Việt Nam.

Chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra vào thời điểm ý nghĩa khi hai nước vừa kỷ niệm 46 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hai bên đã ký kết Kế hoạch Chương trình Hành động nhằm triển khai các nội dung được cam kết trong Tuyên bố về quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Ấn Độ. Đây là cơ hội để hai bên thúc đẩy hợp tác và sự tin cậy về chính trị; làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ quốc phòng, an ninh; tăng cường hợp tác mạnh mẽ về kinh tế, đầu tư, du lịch; nhanh chóng tăng cường kết nối để tăng giao lưu kinh tế, văn hóa giữa hai bên; khai thác tốt hơn tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-khoa học công nghệ.

Tin, ảnh: Huy Bình-Minh Luyến (P/v TTXVN tại Ấn Độ)
Phấn đấu đưa hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu
Phấn đấu đưa hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu

Chiều 5/7, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã tiếp Đoàn Tổng Kiểm toán Nhà nước Ấn Độ do ông Shri Shashi Kant Sharma, Tổng Kiểm toán và Kiểm soát Ấn Độ làm trưởng đoàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN