PV GAS đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Ngày 3/4 tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) đã tổ chức Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động mà Chủ tịch nước đã phong tặng cho PV GAS.

Ngày 3/4 tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động mà Chủ tịch nước đã phong tặng cho PV GAS. Tham dự lễ kỷ niệm có ông Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng Chính phủ và ông Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng công ty Khí Việt Nam.

Ngày 20/9/1990, Tổng Công ty Khí Việt Nam với tên gọi ban đầu là Công ty Khí đốt được thành lập, với nhiệm vụ chính là thu gom, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí. Từ một đơn vị chuyên về quản lý đầu tư và xây dựng, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã bước vào một lĩnh vực hoạt động hoàn toàn mới trong điều kiện thiếu thốn về mọi mặt. Nhưng với quyết tâm cao, với tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đồng thời được sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan ban ngành, chính quyền và nhân dân địa phương nơi có các công trình khí, sự hợp tác tích cực của các đối tác, PV GAS đã dần lớn mạnh, trở thành một trong những đơn vị thành viên chủ lực của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. PV GAS đã xây dựng được cơ sở hạ tầng ngành công nghiệp khí tương đối hoàn chỉnh từ thu gom, chế biến, vận chuyển, tàng trữ và phân phối; quản lý 4 hệ thống khí với trên 1.200 km đường ống biển bờ, 2 nhà máy xử lý khí, nhiều trạm phân phối khí, 12 kho chứa khí hoá lỏng LPG với công suất gần 100.000 tấn (bằng 58% công suất kho cả nước).


Việc đưa những công trình khí vào vận hành không những sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các dự án khác trong khu vực, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để đảm bảo sự phát triển vững chắc và ổn định của PV GAS, góp phần thỏa mãn tối đa nhu cầu ngày càng tăng về khí và các sản phẩm khí của đất nước, ngoài việc khai thác an toàn, hiệu quả 4 hệ thống khí, PV GAS đã, đang và sẽ tập trung phát triển hệ thống kinh doanh, phân phối sản phẩm khí trên địa bàn cả nước bằng hình thức tự đầu tư hoặc thông qua các đơn vị thành viên như đầu tư, xây dựng hệ thống phân phối khí thấp áp cho các khu công nghiệp, hệ thống kho chứa, trạm nạp LPG trên khắp các miền đất nước, các phương tiện vận chuyển như tàu, xe bồn chở LPG và các cơ sở hạ tầng khác. Bên cạnh đó, PV GAS cũng đang triển khai các dự án nhập khẩu LNG nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí trong nước ngày càng tăng, đảm bảo nguồn cung khí ổn định cho các khách hàng tiêu thụ khí khi các nguồn cung khí trong nước suy giảm sản lượng trong tương lai, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Hệ thống cơ sở hạ tầng kho chứa của PV GAS.

Thực hiện chủ trương đổi mới doanh nghiệp của Nhà nước, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, trong điều kiện thị trường chứng khoán Việt Nam và thế giới đều suy thoái, năm 2010, PV Gas đã tổ chức IPO thành công, với thị giá gấp trên 3 lần, chứng tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng rất lớn của các cổ đông, cũng như mang lại nguồn thu đáng kể cho Ngân sách Nhà nước. Từ ngày 16/05/2011, PV Gas chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, trong đó Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam đại diện Nhà nước đóng vai trò chi phối. Với mô hình hoạt động mới, PV Gas tự chủ hơn, nhưng cũng phải tăng cường công tác quản trị hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý và nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của PV Gas trên thị trường. Chính vì vậy, mặc dù từ cuối năm 2014, giá dầu diễn biến phức tạp, liên tục suy giảm, nhiều công ty Việt Nam và thế giới ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên bằng những giải pháp quyết liệt nhằm tiết giảm chi phí, gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, giai đoạn 2011 – 2015, PV GAS đã đạt được tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ trung bình trên 55%/năm, đảm bảo lợi ích cho cổ đông với cổ tức trung bình trên 30%/năm. Riêng năm 2015 là năm đặc biệt rất nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên, hết năm 2015, tổng tài sản của PV GAS đạt 56.700 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 42.984 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2010, lãi cơ bản trên cổ phần (EPS) đạt 4.370 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa thị trường hiện tại vào khoảng  86.500 tỷ đồng.


Hiện nay, PV GAS đang cung cấp khí để sản xuất từ 30% đến 35% sản lượng điện, 70% nhu cầu phân đạm và duy trì khoảng 70% thị phần LPG trong nước, phục vụ các ngành công nghiệp, giao thông và dân dụng của cả nước ; đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường LPG và góp phần bình ổn giá LPG trong nước. Hàng năm, PV GAS đã đóng góp khoảng 10% doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và trên 2% GDP cả nước. PV GAS đã luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, các chỉ tiêu chính của PV GAS không ngừng tăng trưởng qua các năm. Theo đó, về sản lượng, PV GAS đã cung cấp 102,4 tỷ m3 khí khô, 10,5 triệu tấn khí hóa lỏng và 1,6 triệu tấn condensate với tổng doanh thu đạt 519,2 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 55,4 nghìn tỷ đồng và lợi  nhuận sau thuế 82,3 nghìn tỷ đồng.​ Trong giai đoạn 2016 – 2025, PV GAS đặt tiêu tăng trưởng bình quân trên 10%/năm, tổng tài sản đến năm 2020 gấp 2 lần năm 2015, trở thành Doanh nghiệp ngành khí mạnh, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao. Giữ vững vai trò chủ đạo trong công nghiệp khí trên toàn quốc và phấn đấu trở thành Doanh nghiệp ngành khí hàng đầu khu vực ASEAN và có tên trong các doanh nghiệp ngành khí mạnh của châu Á.

PV GAS đã vận hành và làm chủ ngành công nghiệp khí Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao vai trò của Tổng Công ty Khí Việt Nam trong việc đưa ngành công nghiệp khí Việt Nam phát triển vững chắc, đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu “xây dựng công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu: khai thác – thu gom – vận chuyển – chế biến – xuất nhập khẩu – dự trữ - phân phối sản phẩm khí. Giảm dần tỷ trọng sử dụng khí cho điện và chất đốt, tăng cường cho chế biến sâu. Nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và xây dựng cơ sở hạ tầng kho cảng để sẵn sàng nhập khẩu khí và các sản phẩm khí từ sau năm 2020. Nghiên cứu phương án xây dựng hệ thống đường ống kết nối các khu vực, hình thành hệ thống đường ống dẫn khí quốc gia”, theo Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về “định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”, Phó Thủ tướng cũng lưu ý Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam cần làm tốt một số nhiệm vụ, như: Nhanh chóng cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị thành chương trình cụ thể, bố trí nguồn lực phù hợp cho từng năm, từng giai đoạn để đảm bảo thực hiện thắng lợi để thúc đẩy ngành công nghiệp Khí phát triển; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến vào quản lý, vận hành, chế biến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh; chủ động tìm kiếm và đầu tư thỏa đáng vào các nguồn khí mới, các sản phẩm thay thế các nguồn khí đang khai thác ở Việt Nam; nghiên cứu các giải pháp khả thi để đầu tư hệ thống đường ống kết nối các khu vực; chú trọng công tác an toàn, không chỉ trong vận hành, chế biến mà còn phải đảm bảo an toàn trong lưu thông, an toàn môi trường và an toàn cho các hộ sử dụng, đặc biệt là người dân; quan tâm đào tạo, phát triển đội ngũ lao động chuyên nghiệp, chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc tế; song song với việc nghiên cứu phát triển sản xuất, nâng cao lợi nhuận, cần quan tâm thỏa đáng đến việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người lao động và tham gia tích cực vào chương trình an sinh xã hội của Chính phủ

 

M.T
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN