Qua gần hai năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 7 huyện của tỉnh Phú Yên, hoạt động của những địa phương này vẫn phát huy những mặt tích cực.
UBND các huyện và phường đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm để trình cấp trên phê duyệt và triển khai kịp thời nên hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương đều đạt và vượt kế hoạch, an ninh chính trị và an toàn trật tự xã hội được ổn định. Bên cạnh đó, cấp ủy và chính quyền luôn tạo được sự phối hợp nhất quán trong việc ra các nghị quyết, chủ trương cũng như thực hiện khá nhanh gọn, đồng bộ. Đặc biệt, trách nhiệm của người đứng đầu UBND được nâng cao và kịp thời xử lý những phát sinh trong thực tế, giảm kinh phí và thời gian hội họp.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng bộc lộ những vướng mắc cần điều chỉnh. Theo Nghị quyết 725 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác giám sát đối với hoạt động của UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện và việc giám sát các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp xã, phường do HĐND cấp tỉnh thực hiện. Thế nhưng từ khi triển khai thí điểm, nhân lực của HĐND cấp tỉnh chưa được bổ sung nên hoạt động giám sát còn hạn chế. Ngoài ra, Trung ương cũng chưa ban hành cơ chế để người dân tại những địa phương không tổ chức HĐND tham gia giám sát và quyết định những vấn đề lớn của địa phương.
Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, ông Hà Trung Kháng cho biết thêm: “Do huyện không còn HĐND nên hoạt động giám sát hầu như không thực hiện. Trước đây Thường trực HĐND huyện phê chuẩn quyết định chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã nhưng nay không biết “ai” thực hiện vì cũng chưa có quy định”.
Do các địa phương không còn tổ chức HĐND, đáng lẽ biên chế của bộ máy sẽ giảm, thế nhưng thực tế lại diễn ra theo chiều ngược lại. Theo Ban Kinh tế ngân sách của HĐND tỉnh Phú Yên, trong nhiệm kỳ đã tăng 2.436 biên chế sự nghiệp, chiếm 12% tổng biên chế hiện có.
Thế Lập