Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, trên địa bàn có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng về chủng loại. Tỉnh đã phát hiện nhiều mỏ và điểm quặng với các loại khoáng sản kim loại và phi kim loại. Trong đó có một số loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao và trữ lượng lớn như: than nâu, sắt, nhôm, thiết, titan, vàng, bạc, đất, cát, đá vôi… Thời gian qua, số lượng mỏ khoáng sản được đưa vào quy hoạch, thăm dò, khai thác tăng lên nhưng chủ yếu vẫn là các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như đất, cát, đá…
Hiện nay, toàn tỉnh có 43 mỏ có giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực; trong đó có 8 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và 35 giấy phép do UBND tỉnh cấp. Có 34 mỏ đã và đang thực hiện khai thác khoáng sản. Nhìn chung, các đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản chấp hành đúng các nội dung giấy phép được cấp. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm các nội dung giấy phép được cấp.
Giải trình về vấn đề thiếu vật liệu xây dựng thông thường khiến giá mua tăng cao, Giám đốc Sở Xây dựng Phú Yên Trần Xuân Túc cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh quy hoạch 85 mỏ đá, 76 mỏ cát, 132 mỏ đất san lấp. Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít mỏ được cấp phép hoạt động. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thông thường tại các dự án, công trình và dân sinh tăng cao dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu. Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp; đồng thời phối hợp với Sở Tài chính kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá vật liệu xây dựng tại các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp kê khai giá cao bất thường, Sở sẽ yêu cầu tính toán, điều chỉnh lại rồi mới công bố.
Thời gian qua, công tác thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên khảo sát, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản đối với các vụ việc được báo chí, nhân dân phản ánh. Từ năm 2021 - 2023, Chủ tịch UBND tỉnh và Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 15 tổ chức với tổng số tiền gần 2,3 tỷ đồng. Một số trường hợp bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: đình chỉ hoạt động khai thác, tước quyền sử dụng giấy phép, chuyển cơ quan chức năng để điều tra, xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về giải pháp chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, môi trường và cuộc sống người dân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên Nguyễn Thái Hòa cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan và địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng gây khói bụi, rơi vãi trên đường; xử phạt các doanh nghiệp khai thác khoáng sản chậm cải tạo, phục hồi môi trường. Bên cạnh đó, Sở hướng dẫn doanh nghiệp khai thác khoáng sản đảm bảo cảnh quan môi trường, phòng ngừa tai nạn. Khi các doanh nghiệp kết thúc khai thác, Sở đôn đốc thực hiện đóng cửa mỏ theo đúng quy định. Sở cũng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện lắp đặt camera tại trạm cân để giám sát chặt chẽ sản lượng khai thác.
Các đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên phản ánh hiện nay còn nhiều trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản như: khai thác, tàng trữ và kinh doanh khoáng sản trái phép; chở vật liệu xây dựng ra ngoài địa bàn tỉnh để bán; khai thác khoáng sản ngoài thời gian quy định, quá trữ lượng cho phép; xe tải chở vật liệu xây dựng hoạt động trên các tuyến đường sai quy định; có hiện tượng “móc nối” giữa cán bộ với doanh nghiệp để khai thác khoáng sản sai quy định; khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường…
Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên Võ Duy Tuấn, các mỏ cát được cấp phép qua đấu giá thì doanh nghiệp có quyền bán ra ngoài tỉnh. Còn mỏ cát được cấp phép phục vụ cho công trình thì doanh nghiệp chỉ được khai thác phục vụ công trình đó, không được phép bán ra ngoài tỉnh. Thời gian tới, lực lượng Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm và cán bộ có hành vi bảo kê, tiếp tay cho sai phạm.
Kết luận tại phiên giải trình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hòa An khẳng định: Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản phải đảm bảo hài hòa giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, vô hình và hữu hình; đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và các ngành kinh tế xanh khác, không hy sinh lợi ích môi trường để phục vụ đầu tư phát triển. UBND tỉnh và các ngành liên quan cần tìm ra giải pháp phù hợp để giải quyết những tồn tại lâu nay, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi chính đáng của cử tri và nhân dân.