Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, thực hiện những quy định của pháp luật về khoáng sản và chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đồng Tháp đã chú trọng xây dựng, ban hành văn bản quản lý, phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, quy chế phối hợp quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh địa giới hành chính giữa các tỉnh; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chỉ rõ, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: việc phối hợp giữa các ngành và địa phương chưa được thường xuyên, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ở một số địa phương chưa thật chặt chẽ; tình hình khai thác khoáng sản trái phép, không phép và tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp vẫn còn xảy ra; khai thác cát vượt độ sâu cho phép…
Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phi Đa, điển hình như mỏ cát san lấp trên sông Tiền thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành (tổng trữ lượng gần 548.000 m3) bàn giao cho nhà thầu trực tiếp lập thủ tục khai thác phục vụ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Sau hơn 4 tháng khai thác, vào tháng 2/2024, mỏ cát này bị đình chỉ hoạt động vì có những điểm khai thác vượt độ sâu cho phép.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện sai sót trong quá trình khai thác mỏ cát san lấp trên sông Tiền thuộc xã An Nhơn. Đó là sai sót liên quan đến kỹ thuật, quá trình khai thác chưa đồng bộ khiến một số vị trí vượt độ sâu cho phép, cục bộ một số địa điểm khai thác quá sâu. Tổ kiểm tra đã trình UBND tỉnh đình chỉ khai thác mỏ cát này để rà soát lại tổng thể trữ lượng, sản lượng đã khai thác và tác động môi trường.
Trước đó, tháng 1/2024, Trạm Cảnh sát đường thủy Sa Đéc, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Tháp đã liên tục phát hiện, bắt giữ 5 phương tiện thủy với 11 đối tượng vận chuyển cát nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc cát. Các phương tiện vận chuyển tổng cộng 355m3 cát lưu thông trên những tuyến sông và rạch thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Vụ việc đã được cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cuối tháng 4/2024, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành văn bản số 129/UBND - ĐTQH yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nội dung nhằm chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về khai thác và bảo vệ khoáng sản.
Cụ thể, lãnh đạo các địa phương và sở, ban, ngành liên quan tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, triển khai thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai và môi trường liên quan; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị, địa phương nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không phép trên địa bàn (đặc biệt là cát, sỏi lòng sông, đất san lấp); xác định công tác này là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của địa phương và các sở, ngành liên quan.
UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc thành lập bến, bãi tập kết khoáng sản trái phép diễn ra phức tạp, kéo dài mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu.
UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác. Đặc biệt là những hành vi như: không lắp đặt camera giám sát, định vị tại phương tiện khai thác; không đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; gian lận, khai báo sản lượng khoáng sản khai thác không đúng thực tế; khai thác gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tác động xấu đến cảnh quan môi trường; những trường hợp kinh doanh vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo đầy đủ hóa đơn, chứng từ; buôn bán, vận chuyển trái phép khoáng sản…
Chủ đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh phải quản lý chặt chẽ việc nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình (đặc biệt là công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước); trong đó, xem xét nguồn gốc hợp pháp của vật liệu xây dựng đã sử dụng; kiên quyết không nghiệm thu, thanh quyết toán công trình đối với trường hợp sử dụng vật liệu xây dựng không có nguồn gốc hợp pháp, không có hóa đơn, chứng từ theo quy định.
UBND tỉnh Đồng Tháp nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông dòng chảy cũng như việc cải tạo mặt bằng, cải tạo đất, đào ao, hồ để khai thác khoáng sản trái phép; những trường hợp khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chính trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng vi phạm nêu trên tại địa phương.