Cùng đi với Phu nhân Chủ tịch Quốc hội có Phó Chủ tịch Quốc hội Senegal Rokhy Ndiaye.
ESTEL là một tổ chức phi lợi nhuận của Senegal, hoạt động dựa trên ngân sách từ các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm. Trung tâm Hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật trí tuệ ESTEL hướng tới bảo vệ quyền của người khuyết tật trí tuệ, giáo dục văn hóa và đào tạo nghề cho họ, với mục tiêu tăng cường tính độc lập và thúc đẩy sự hòa nhập xã hội tốt hơn.
Tại buổi gặp mặt, đại diện lãnh đạo Trung tâm bày tỏ cảm ơn chân thành đến Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga; nhấn mạnh sự hiện diện của Phu nhân cùng Đoàn đại biểu thể hiện sự quan tâm sâu sắc và đem đến tình cảm ấm áp dành các em và đội ngũ nhân viên tại trung tâm.
Chia sẻ về những nỗ lực nhằm hỗ trợ trẻ em khuyết tật tại Senegal, lãnh đạo Trung tâm bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác và đồng hành không chỉ từ phía Chính phủ Senegal mà còn từ các tổ chức quốc tế và các nước, trong đó có Việt Nam; qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Đại diện Hội phụ huynh của trẻ em đang học tập tại Trung tâm cho rằng, chuyến thăm của Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Phu nhân và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng như Đoàn đại biểu Việt Nam, là nguồn động viên to lớn đối với gia đình và các em.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phu nhân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh Nga bày tỏ xúc động đến thăm Trung tâm bảo trợ trẻ em ESTEL, một trong những hình mẫu tại thủ đô Dakar về bảo vệ, trao quyền và giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập với xã hội. Phu nhân đánh giá cao tôn chỉ, sứ mệnh hoạt động của Trung tâm, khi nhiều năm qua đã theo đuổi mô hình dạy học tạo điều kiện cho trẻ em, thanh thiếu niên khiếm khuyết về nhận thức và vận động.
Vui mừng vì có dịp đến thăm và giao lưu với thầy cô, học sinh, xúc động khi lắng nghe chia sẻ của các thầy, cô ở đây, Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đánh giá cao việc Trung tâm đã nỗ lực vượt lên những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất để quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất chăm sóc, giáo dục các em học sinh, giúp các em phát triển, hòa nhập với xã hội.
Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cũng đánh giá cao chương trình học tập của Trung tâm với sự kết hợp khoa học giữa giáo dục các kiến thức cơ bản (đọc, viết, liệu pháp nghệ thuật, gốm sứ, nấu ăn, làm vườn…) với các hoạt động dã ngoại, sự kiện nâng cao nhận thức của gia đình và các chương trình hòa nhập nghề nghiệp.
Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết, cá nhân bà và nhân dân Việt Nam luôn đồng cảm, chia sẻ với người khuyết tật, người yếu thế, đặc biệt là trẻ em; chia sẻ rằng tại Việt Nam, ngoài việc được các trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc, người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em tự kỷ, được hưởng ưu đãi trong giáo dục, đào tạo để phát triển kỹ năng như người bình thường. “Hai dân tộc chúng ta cùng chia sẻ truyền thống nhân văn, đùm bọc che chở người yếu thế, nhất là trẻ nhỏ. Tôi hy vọng Việt Nam và Senegal tăng cường hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm trong bảo vệ người yếu thế, người khuyết tật”, Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga bày tỏ.
Nhân dịp này, thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga trao tặng Trung tâm 5 máy tính và 1 máy in cùng các tặng phẩm do người khuyết tật làm.