Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được quan tâm đầy đủ

Sáng 22/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em để nghe các bộ, ngành hữu quan báo cáo, trao đổi, phân tích, làm rõ nguyên nhân cũng như xác định giải pháp khắc phục, phòng ngừa, giảm thiểu các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tại Phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã phát biểu, giải trình, làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội, các tổ chức bảo vệ trẻ em quan tâm.

Nhiều nơi chưa quan tâm đến phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Quốc hội đã có giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em. Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, Chính phủ và các địa phương, các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình đang tập trung triển khai tương đối toàn diện liên quan đến phòng, chống bạo lực trẻ em. Đặc biệt, vừa qua, Chính phủ đã trực tiếp tổ chức hội nghị bàn về vấn đề nâng cao phối hợp hành động giữa các cơ quan trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. 

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em cũng đã tổ chức một số hoạt động, phiên thảo luận về phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.

Đánh giá chung về tình hình bạo lực gia đình và trẻ em thời gian qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, trong năm 2021, qua báo cáo và tiếp nhận các thông tin, tổng số vụ việc có giảm đi nhưng tính chất, mức độ diễn biến phức tạp hơn. Nhất là những ngày cuối năm 2021, xảy ra một số vụ việc rất đau lòng, khiến dư luận xã hội bức xúc.

Bộ trưởng chia sẻ, trong phát biểu gặp mặt đầu Xuân của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng đã nhấn mạnh: "Tết này, đau lòng nhất, buồn nhất chính là xâm hại trẻ em, bạo lực đối với trẻ em". Sau đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã điện cho Bộ trưởng và giao một số cơ quan khối tư pháp cùng với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Chính phủ thời gian tới sẽ có một số hoạt động chuyên đề xung quanh vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Về pháp luật liên quan đến vấn đề phòng, chống bạo lực trẻ em, theo Bộ trưởng, đã tương đối đầy đủ, đồng bộ và hoàn thiện. Điều này đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam cũng có một số quy định pháp luật mà các tổ chức quốc tế sử dụng để giới thiệu, tuyên truyền, hỗ trợ nhiều quốc gia khác.

"Nhìn chung hệ thống pháp luật chúng ta đã và đang đi vào cuộc sống. Chúng ta có 27 triệu trẻ em, về cơ bản các em được sống trong môi trường lành mạnh. Chúng ta cần phải nhìn bức tranh sáng tổng thể đã được thế giới thừa nhận", Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Theo Bộ trưởng, gần đây, sau kiểm tra, giám sát của Quốc hội, sự phối hợp của các cơ quan liên quan đến vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em có sự chuyển biến tốt hơn. Vai trò cơ quan quản lý nhà nước và điều phối của Chính phủ với các cơ quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các hội bảo vệ trẻ em có sự phối hợp nhịp nhàng hơn. Việc xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em nhanh hơn, kiên quyết hơn. Trước đây, một vụ việc liên quan đến trẻ em có khi phải mất vài tháng để xử lý, nhưng thời gian vừa qua, sau khi Quốc hội, Tòa án có nghị quyết, rõ ràng có sự phối hợp liên ngành nhanh hơn. Do đó, các vụ việc khi phát hiện ra, hầu như đều tiến hành điều tra, khởi tố và xử lý ngay, theo tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Các biện pháp áp dụng can thiệp, trợ giúp, thời gian qua, cơ bản cũng có sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn chỉ ra, công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em còn một số hạn chế. Đầu tiên là một số một số quy định của pháp luật về trẻ em, nhất là trong Luật Trẻ em và một số quy định pháp luật khác có liên quan chưa được hướng dẫn, triển khai kịp thời.

Cùng với đó, không ít địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ đến phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Bộ trưởng lấy dẫn chứng, qua kiểm tra, có địa phương tổ chức Trung Thu diễu hành rất lớn, tiêu tốn hàng tỷ đồng, nhưng cả năm không dành cho công tác quản lý nhà nước về trẻ em được 1 đồng, đến khi phát hiện ra và Bộ trưởng điện cho địa phương, lúc đó mới vội cấp ngân sách.

Qua tiếp nhận các cuộc gọi và kết nối Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 với địa phương, chỉ có 2 lực lượng ứng xử nhanh nhất, đó là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an; trong khi đó, một bộ phận cán bộ chủ chốt địa phương lại rất ngại khi tiếp xúc trợ giúp... 

Một vấn đề được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặc biệt nhấn mạnh, đó là đạo đức xã hội đang xuống cấp ở một bộ phận người dân. Theo Bộ trưởng, một số vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em vừa qua là điển hình của thực trạng này. Cùng với đó, xung đột gia đình và việc ứng xử của người lớn hậu ly hôn cũng có vấn đề. Nhiều vụ việc vừa qua bắt nguồn từ xung đột gia đình hậu ly hôn. 
 
"Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa của các vụ việc đau lòng thời gian vừa qua đều bắt nguồn từ gia đình, từ các xung đột trong quan hệ hôn nhân gia đình mà người lớn, người trong cuộc không có kỹ năng giải quyết vấn đề. Người lớn không thể điều chỉnh trạng thái tâm lý, không làm chủ được hành vi của mình dẫn đến những hành động rất khó tin, tàn bạo và đau xót", Bộ trưởng chia sẻ.

Ngoài các vấn đề xã hội nêu trên, thời gian qua, đại dịch COVID-19 cũng đã gây ra những hậu quả rất nặng nề với trẻ em. Không chỉ bị dương tính với SARS-CoV-2, mồ côi, mà các em còn bị cả sang chấn tâm lý. Theo Bộ trưởng, sang chấn tâm lý ở trẻ em đang rất nặng nề.

Từ những tồn tại trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ cùng các bộ, ngành liên quan sẽ tiến hành rà soát trong hệ thống pháp luật hiện hành, quy định gì đang thiếu, cần bổ sung.

Bộ sẽ đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng xác định phòng, chống bạo lực gia đình, trẻ em là chủ thể, là đối tượng cùng chịu tác động cùng với nữ giới.

Bộ cũng tập trung vào cơ chế phối hợp liên ngành và có các giải pháp xử lý nhanh, kịp thời tất cả các vụ việc xảy ra, trong đó cố gắng đạt mục tiêu: phát hiện vụ việc nhanh nhất; xử lý nhanh nhất; xử lý nghiêm minh nhất; hỗ trợ, chăm sóc tốt nhất các nạn nhân bị xâm hại, bạo hành.

Chia sẻ quan điểm với ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về sự phối hợp còn chưa hiệu quả, thậm chí có lúc còn chồng chéo nhiệm vụ quản lý Nhà nước, và hiện nay, để thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có đến 3 bộ là Lao động-Thương binh và Xã hội; Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Y tế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tới đây sẽ cùng các bộ trên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bàn giải pháp về điều chỉnh cơ cấu tổ chức cũng như cách thức phối hợp sao cho hiệu quả hơn.

Triển khai biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả bạo lực trẻ em

Cùng tham gia giải trình với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng bày tỏ sự bức xúc trước việc thời gian gần đây có nhiều vụ việc bạo lực trẻ em trong gia đình rất nghiêm trọng. Trong đó, người gây bạo lực lại chính là bố, mẹ, mẹ kế, cha dượng của trẻ. Đáng lên án là những hành vi bạo lực này được thực hiện dưới sự thờ ơ của cha, mẹ, ông bà và thậm chí là sự tiếp tay, dung túng của người cha (vụ việc bé gái trong Thành phố Hồ Chí Minh, vụ việc bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội). Gần đây nhất, tại Quảng Nam, có vụ việc vì ghen tuông, người cha đã nhẫn tâm ném con gái 5 tuổi của mình xuống sông khiến bé thiệt mạng.

Những vụ việc này, theo Thứ trưởng, đặt ra nhiều vấn đề với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức bảo vệ trẻ em. Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đang xây dựng hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó đặc biệt tập trung vào các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi bạo lực gia đình với trẻ em.

Bộ cũng đang xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025, bên cạnh những hoạt động về truyền thông, tập huấn về phòng, chống bạo lực gia đình, sẽ tập trung vào việc xây dựng, hướng dẫn quy trình tiếp nhận, xử lý vụ việc bạo lực gia đình; quy trình bảo vệ an toàn, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, cung cấp và tư vấn thông tin về quyền, nghĩa vụ cho người bị bạo lực phân theo nhóm đối tượng, trong đó có đối tượng là trẻ em.

Trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, tham vấn ý kiến chuyên gia để đưa các quy định về phòng, chống bạo lực gia đình với trẻ em trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất quyền và lợi ích của trẻ em.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tham dự Phiên giải trình, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trước kia việc trực tuyến là giải pháp tình thế, nay là giải pháp thay thế cho việc học trực tiếp. Việc học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hành tâm lý học đường từ học sinh lớp 1 đến lớp 12 để lồng ghép vào các bài học, cùng với đó, tại các trường còn thành lập các tổ tư vấn tâm lý giúp tư vấn cho học sinh, lãnh đạo nhà trường làm tổ trưởng, giáo viên kiêm nhiệm nhiệm vụ tư vấn.

Giải trình về vấn đề an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết, hiện nay, Bộ tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ lớn để bảo vệ trẻ em: ngăn chặn nội dung độc hại liên quan đến trẻ em; ngăn chặn rò rỉ phát tán, đăng tải không đúng quy định liên quan thông tin đời tư, cá nhân của trẻ em; ngăn chặn hoạt động xúc phạm danh dự, nhân phẩm đến trẻ em; rà quét, phát hiện những trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em trên không gian mạng cũng như trong cuộc sống để phối hợp với các đơn vị xử lý.

Cung cấp thông tin về tiến độ xử lý ba vụ án: bạo hành cháu bé 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh, vụ bé gái 3 tuổi bị găm đinh vào đầu ở Hà Nội, vụ ném con gái 5 tuổi xuống sông ở Quảng Nam, Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, hiện nay, lãnh đạo Bộ Công an đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương điều tra, kết luận và họp báo công khai kết quả điều tra, đồng thời có khuyến cáo, khuyến nghị đối với cha mẹ, người thân, cộng đồng để có biện pháp chăm sóc, bảo vệ, giúp đỡ trẻ em.

Việt Đức (TTXVN)
Cần nâng cao ý thức tố giác tội phạm, bảo vệ trẻ em ngay trong cộng đồng dân cư
Cần nâng cao ý thức tố giác tội phạm, bảo vệ trẻ em ngay trong cộng đồng dân cư

Liên quan đến vụ bé gái ở Thạch Thất, Hà Nội nhập viện trong tình trạng hôn mê có 9 đinh ghim trong đầu, ngày 20/1, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Ninh Thị Hồng cho rằng, cần nâng cao ý thức tố giác tội phạm, bảo vệ trẻ em ngay trong cộng đồng dân cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN