20 địa phương tăng số người chết vì tai nạn giao thông Mặc dù đã giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương so với năm trước, nhưng năm 2016, toàn quốc vẫn xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.685 người, bị thương 19.280 người, chỉ giảm gần 1/10 số người chết (0,49%) so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là giảm 5%. Con số trên được Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết.
Quang cảnh lễ ra quân. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, năm 2016 có 40 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì tai nạn giao thông. Tuy nhiên, 20 địa phương vẫn có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với năm 2015, điển hình là Quảng Ngãi, Hòa Bình, Cao Bằng, Đồng Tháp, Hà Giang, Hải Dương, Tiền Giang, Cà Mau và Thành phố Hồ Chí Minh có số người chết tăng trên 10%. Có đến 97,7% số vụ tai nạn giao thông, 96,9% số người chết và 98,7% số người bị thương là do tai nạn giao thông trên đường bộ.
Theo ông Khuất Việt Hùng, tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến xe ô tô có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tai nạn giao thông do lái xe ô tô gây nên chiếm 27,07% số vụ tai nạn giao thông đường bộ, trong khi số ô tô chỉ chiếm 6% tổng số phương tiện cơ giới. Tai nạn giao thông do người điều khiển vi phạm phần đường, làn đường vẫn còn ở mức cao, trên 25%. Tình hình trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc vẫn diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân của những tồn tại trên được ông Hùng chỉ ra là: Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa duy trì có hiệu quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Một số thời điểm còn xuất hiện tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước về an toàn giao thông. Việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương chưa đi vào thực chất.
Bên cạnh đó, một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, đặc biệt là hạn chế về ý thức đạo đức, nghề nghiệp của một bộ phận chủ phương tiện, một số lái xe, thuyền viên trong hoạt động kinh doanh vận tải. Hiệu lực và chất lượng trong công tác, thanh tra, kiểm tra, giám sát tại một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa duy trì thường xuyên, liên tục. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ thanh tra, tuần tra, kiểm soát có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định như vụ việc tiêu cực của Thanh tra Giao thông Vận tải tại Cần Thơ, Hà Tĩnh.
Thừa nhận công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2016 chưa đạt mục tiêu đề ra, tai nạn giao thông tăng 5,6% về số vụ và 14,5% số người chết, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết là địa phương có trên 10 triệu dân, lượng xe đăng ký lên đến 7,8 triệu, trong đó có 600.000 xe ô tô, chưa kể số lượng lớn xe địa bàn khác đang lưu hành, đã tạo áp lực giao thông rất lớn cho thành phố. 4 nguyên nhân chủ quan dẫn đến tai nạn giao thông gia tăng, đó là hạ tầng giao thông hạn chế, không theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh còn ít, việc quản lý lòng lề đường, công tác tuần tra xử lý vi phạm của lực lượng chức năng chưa đạt yêu cầu đề ra. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân còn kém nên các lỗi chủ quan dẫn đến xảy ra tai nạn giao thông chiếm tới 92%.
Giảm số người chết do tai nạn giao thông xuống dưới 8.500 người Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương các bộ, ngành tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban An toàn giao thông các địa phương đã nỗ lực triển khai có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong năm 2016. Phó Thủ tướng đã chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện tăng cao so với năng lực kết cấu hạ tầng, cùng với sự phát triển tràn lan các chung cư cao tầng trong nội thành, phá vỡ quy hoạch, trong khi các dự án vận tải khách công cộng khối lượng lớn chậm tiến độ, tạo áp lực lớn cho giao thông đô thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các trục giao thông chính và các đầu mối giao thông trọng điểm.
Nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Phó Thủ tướng nêu rõ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, nhu cầu giao thông, số lượng phương tiện cũng như sự đa dạng về trình độ và văn hoá của người tham gia giao thông sẽ tiếp tục tăng cao, Việt Nam cũng thực hiện mục tiêu của Nghị quyết A/RES/70/260 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về Cải thiện an toàn đường bộ toàn cầu là đến năm 2020 con số thương vong do tai nạn giao thông đường bộ giảm còn 50% so với năm 2010, tạo nên thách thức rất lớn cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện Năm an toàn giao thông 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết” với các mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2016; giảm số người chết do tai nạn giao thông năm 2017 xuống dưới 8.500 người. Kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên.
Phó Thủ tướng nêu rõ cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực của thực thi công vụ, gắn kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông với trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Phương châm chỉ đạo, điều hành trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2017 là Thường xuyên – Kịp thời - Thực chất- Dứt điểm. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, cần tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát; xử lý nghiêm minh, cương quyết đối với các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như lái xe quá tốc độ cho phép; lái xe khi đã uống rượu, bia; xe khách đón, trả khách trái phép trên đường cao tốc; chở quá tải trọng phương tiện... “Xử lý nghiêm minh cán bộ thừa hành công vụ vi phạm đạo đức, vòi vĩnh trong cấp bằng lái xe, thanh tra công vụ, kiểm soát giao thông”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể xây dựng nếp sống đạo đức văn minh đô thị, văn hóa nhường nhịn trong giao thông; xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, các công trình hạ tầng như khu công nghiệp, khu dân cư… phải gắn với hạ tầng giao thông một cách hài hòa, khoa học, đáp ứng mục tiêu phát triển. Đối với dự án xe bus nhanh của Hà Nội, Phó Thủ tướng cho rằng thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều, thành phố cần nghiên cứu việc phân luồng, tuyến hợp lý; đồng thời kiểm tra, xử lý, xử phạt nghiêm các hành vi lấn đường, vi phạm, có đảm bảo trật tự giao thông mới có xe bus nhanh.
Người đứng đầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng lưu ý Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý, tổ chức và điều khiển giao thông, cảnh báo và ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Với đề xuất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Phó Thủ tướng cho rằng đây là công trình quan trọng của quốc gia, liên quan đến vấn đề an ninh, Bộ Giao thông Vận tải cần quan tâm chỉ đạo việc mở thêm bến đỗ, đường lăn, tổ chức quản lý trật tự an toàn giao thông xung quanh sân bay, làm hồ điều tiết để chống ngập nước cho sân bay.