Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian tới Thành phố phải kiên trì, tiếp tục "bóc tách" F0 ra khỏi cộng đồng, không để lây nhiễm và lây ra các đối tượng có bệnh nền, dễ có diễn tiến nặng dẫn đến nguy cơ tử vong. Muốn vậy, thành phố phải chuẩn bị sẵn sàng trung tâm thu dung điều trị rất lớn. Một số địa bàn của Thành phố có thể siết chặt, thực hiện quyết liệt cao hơn Chỉ thị số 16 /CT-TTg.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết thêm: Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương có chính sách mua sắm các vật tư y tế, tạo điều kiện tối đa trang thiết bị cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là trung tâm điều trị, cấp cứu, các khu điều trị nặng không để thiếu đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn cho lực lượng y tế.
Về vấn đề vaccine, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đây là giải pháp căn cơ để kiểm soát, phòng dịch COVID-19 hiệu quả. Theo hợp đồng đã ký, cuối năm 2021 Việt Nam có đủ lượng vaccine tiêm cho 70% người dân, tạo miễn dịch cộng đồng. Từ nay đến tháng 8/2021, dù lượng vaccine về chưa nhiều nhưng Chính phủ và Bộ Y tế sẽ tiếp tục ưu tiên lớn nhất cho TP Hồ Chí Minh với mong muốn Thành phố sớm vượt qua khó khăn, dịch bệnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, hiện nay Thành phố đang lấy ý kiến các chuyên gia, bộ, ngành liên quan để chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị số 16/CT-TTg nhằm thực hiện bằng được mục tiêu ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan trong cộng đồng. Trong thời gian tới, Thành phố mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ từ Chính phủ và Trung ương, các bộ, ngành đang có mặt tại Thành phố để cùng bàn bạc, thống nhất các giải pháp nâng cao, siết chặt, tăng cường phòng, chống dịch.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết: Lượng vaccine được phân bổ đợt 5 của Thành phố là hơn 930.000 liều. Ngoài các điểm tiêm tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai tiêm vaccine tại Bệnh viện Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ngoài ra, Thành phố sẽ tổ chức tiêm cho người dân ở những nơi sau khi gỡ phong tỏa.
Theo kế hoạch, mỗi phường, xã sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm, tại các điểm tiêm đều bố trí các tổ cấp cứu túc trực để bảo đảm xử lý kịp thời mọi tình huống xảy ra. Như vậy, toàn Thành phố sẽ vận hành 615 điểm tiêm, với 120 người/ngày/điểm tiêm, tùy theo tình hình ổn định sẽ tăng số lượng lên 200 người/điểm tiêm/ngày. Nếu tiến độ đảm bảo thì khoảng trong 2 tuần, Thành phố sẽ tiêm xong 930.000 liều vaccine.
“Chiều 20/7, vaccine đã được chuyển đến Trung tâm y tế các quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Trong 1-2 ngày tới, TP Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu tổ chức tiêm vaccine đợt 5. Đối tượng được tiêm vaccine trong đợt này là những người người mắc các bệnh nền, người trên 65 tuổi, người thuộc diện chính sách và có công; đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế, người làm việc trong cơ sở y tế, ngành y tế, người tham gia trực tiếp phòng, chống dịch…”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết.
Trong khi đó, thông tin về kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, chiến dịch tiêm chủng đợt 4 của TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành. Trong đợt 5 có nhiều loại vaccine nên Thành phố cần cân nhắc khi tiêm phối hợp hay thống nhất 1 loại vaccine. Bộ Y tế cho rằng, giai đoạn này nên tập trung vào đối tượng, không nên tập trung vào vùng tiêm chủng. Cụ thể, “vùng đỏ” chưa nên tiêm mà nên bảo vệ các “vùng xanh” trước nhằm đảm bảo miễn dịch cho nhân dân.