Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020 - Vietnam Venture Summit 2020 (VVS). Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Chú thích ảnh
 Lễ ký kết hợp tác qua hình thức trực tuyến. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

  Sau 1 năm tăng đột biến của các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp Start-up ở Việt Nam, đạt mức 800 triệu USD, năm 2020, lượng vốn chỉ khoảng hơn 200 triệu USD. Trong bức tranh chung, cộng đồng Start-up của Việt Nam có những điểm sáng đáng lưu ý. Đó là nhiều doanh nghiệp Start-up của Việt Nam nằm trong tốp đầu cùng với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ giao thông vận tải, thương mại điện tử…; có những doanh nghiệp, sản phẩm đã bắt đầu bước ra thế giới.

Từ kinh nghiệm Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19, dù bên ngoài diễn biến rất phức tạp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi: Cộng đồng Start-up đã thực sự sẵn sàng đón nhận thách thức và cơ hội mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hay chưa?

“Việt Nam không có công nghệ tiên tiến nhất hay hệ thống y tế tốt như nhiều nước, nhưng đã chống dịch hiệu quả bằng những giải pháp thiết thực, sát với điều kiện thực tiễn. Cộng đồng Start-up đã như vậy chưa?”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề và dẫn chứng sự vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước và bước ra bên ngoài của một số doanh nghiệp Start-up là do đã đi vào giải quyết những bài toán thiết thực. Công nghệ có thể không bằng nước ngoài nhưng các doanh nghiệp Start-up của Việt Nam đã phát triển mô hình kinh doanh, cách làm mới, từ kinh nghiệm trong nước để vươn ra thế giới.

“Các doanh nghiệp Start-up của Việt Nam đã sát với thực tiễn hơn, dựa vào thị trường lớn ở trong nước, nhu cầu đa dạng, cụ thể của người dân để phát triển”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá.

Cũng từ kinh nghiệm chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tính cộng đồng ngày càng quan trọng, nhất là trong một thế giới có nhiều biến chuyển khó lường. Điều đó cũng hoàn toàn đúng với cộng đồng Start-up.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai nhiều dự án, chương trình để đón bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp mới, tạo sân chơi, thị trường cho cộng đồng Start-up lớn mạnh. Từ phát triển hạ tầng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin đến mục tiêu mỗi người dân đều có điện thoại thông minh bằng cách phát huy sức mạnh của doanh nghiệp và cộng đồng để cung cấp điện thoại thông minh giá rẻ. Gần đây, nhiều nền tảng y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, nhân đạo… đã ra đời.

Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công, yêu cầu kết nối tất cả các cơ sở, trước hết là trong lĩnh vực y tế, giáo dục với khoảng 14.000 cơ sở y tế, gồm cả các phòng khám tư nhân, hàng chục nghìn nhà thuốc, hơn 50.000 trường học, dữ liệu của hơn 1 triệu giáo viên, hơn 20 triệu học sinh, sinh viên… Công việc này tới đây cần phải đẩy mạnh hơn nữa, mở rộng ra những lĩnh vực khác.

“Tất cả các nỗ lực của Chính phủ, cùng sự góp sức của cộng đồng sẽ tạo nên những nền tảng dữ liệu rất bổ ích cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp Start-up”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong điều kiện thế giới có nhiều biến động, khó dự báo dài hạn, sát thực tế, từ những công ty lớn đến doanh nghiệp non trẻ phải có khả năng điều chỉnh linh hoạt, ngay lập tức mới có cơ hội phát triển. “Nền kinh tế trong tương lai có tới 70% sản phẩm, dịch vụ phương thức mới mà chưa hình dung được hoặc chưa chắc chắn. Quan trọng là cách thích ứng”, Phó Thủ tướng chia sẻ lại ý kiến của một người làm Start-up có nhiều kinh nghiệm.

Khẳng định Chính phủ luôn mong muốn, tạo điều kiện thuận lợi các nhà đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động ở Việt Nam nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, các doanh nghiệp Start-up trong nước cũng cần tự tin hơn với kinh nghiệm, cách làm của mình.

“Với tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng Start-up, hơn lúc nào hết cần nắm chặt tay nhau tạo thành mạng lưới, có sự kết nối không phân biệt trong nước hay nước ngoài, kết nối cả doanh nghiệp theo mô hình truyền thống và doanh nghiệp Start-up, cộng đồng Start-up sẽ có những bước tiến lớn hơn, tạo ra những xung lực mới, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

PV (TTXVN)
Garuda Capital mua lại cổ phần của FinLink, start-up về công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu
Garuda Capital mua lại cổ phần của FinLink, start-up về công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu

ĐẶC KHU HÀNH CHÍNH HỒNG KÔNG – Media OutReach – Ngày 24 tháng 11 năm 2020 – FinLink Technology Limited, một công ty khởi nghiệp (start-up) công nghệ dựa trên dữ liệu, hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) tham gia vào các dịch vụ tài chính xuyên biên giới, vừa thông báo: Garuda Capital Asia Limited, một công ty đầu tư hàng đầu tập trung vào đầu tư mạo hiểm và đầu tư tăng trưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đã mua lại lượng cổ phần thiểu số đáng kể của FinLink, thông qua một quỹ đầu tư liên kết. Việc mua lại này diễn ra sau vòng hạt giống đã diễn ra vào năm 2019 trị giá 2,5 triệu USD (không được thông báo trước đó) do PF Ventures và Garuda Capital dẫn đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN