Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lý giải nguyên nhân lệch 11.500 tỷ đồng số liệu giải ngân

Chiều 9/6, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, giải đáp về chất vấn của đại biểu liên quan đến số liệu cùng một thời điểm tính toán nhưng số liệu giải ngân lệch 11.500 tỷ đồng cùng những bất cập trong cơ chế gây nên chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, các cơ quan sẽ phải đối chiếu lại là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Bởi, trong vấn đề giải ngân, báo cáo từng thời kỳ là khác nhau và là nội dung đã nêu trong nhiều cuộc họp của Chính phủ.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

"Thực tế giải ngân chúng ta tính của Bộ Tài chính là trên cơ sở các nguồn đã được quyết toán từ kho bạc nhà nước. Còn báo cáo của các tỉnh, thành phố, các dự án là thực tế thực hiện nên luôn có sự chênh lệch. Tôi sẽ kiểm tra lại số liệu để có con số chính xác", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6/2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Về việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng cho biết, đến nay Chính phủ đã ban hành 6 Nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập cũng như đã thông báo tổng mức vốn 149.201 tỷ đồng, danh mục và mức vốn dự kiến cho 113 nhiệm vụ, dự án cụ thể.

Về kết quả, đến hết tháng 5/2022 đã thực hiện khoảng 33.500 tỷ đồng; trong đó, miễn, giảm thuế, phí 22.600 tỷ đồng (đạt khoảng 35% kế hoạch); Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4.869 tỷ đồng cho 4/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình; các địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho 2.431 người theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Liên quan đến vấn đề thể chế ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công chậm, theo Phó Thủ tướng, đúng như ý kiến của các đại biểu Quốc hội, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm; 41/51 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, đầu tư công là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phải thúc đẩy kịp thời tiến độ, vừa phải tính toán kỹ lưỡng để nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Đồng thời, có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc và thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đến ngày 31/5/2022, giải ngân đạt 22,37% kế hoạch.

Trong tháng 5/2022, các Tổ công tác này đã làm việc và kiểm tra thực tế tình hình giải ngân tại các bộ, cơ quan, địa phương. Quá trình làm việc đã xác định rõ nguyên nhân chậm giải ngân; trong đó, tổ chức thực hiện được xác định là khâu yếu. Trên cơ sở đó, Tổ trưởng các tổ công tác đã chỉ đạo, yêu cầu thực hiện các giải pháp để phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Qua làm việc, hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đều cam kết có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn nhằm hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022, đặc biệt quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh vấn đề này. Cùng với đó, khẩn trương rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến đất đai, nguyên vật liệu; rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án; thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm; giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công...

Thảo Nguyên - Thúy Hiền (TTXVN)
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV: Lĩnh vực giao thông vận tải rất khó kêu gọi đầu tư PPP
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV: Lĩnh vực giao thông vận tải rất khó kêu gọi đầu tư PPP

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội chiều 9/6, trả lời về vấn đề thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Luật này đã đi vào cuộc sống rất tốt ở các lĩnh vực như xây dựng, điện lực, tuy nhiên, ở lĩnh vực giao thông, với nhiều công trình có chi phí dự án lớn, mặt bằng yếu, xử lý cầu cống nhiều nên rất khó kêu gọi PPP.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN