Liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, năm 2022 là năm dấu mốc quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW triển khai định hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã được ban hành; là nền tảng quan trong trong thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn tới.
Đáng chú ý, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã khôi phục trong tất cả các ngành, lĩnh vực. So với năm 2021, số hợp tác xã tăng 7%; liên hiệp hợp tác xã tăng khoảng 17%. Tổng số thành viên hợp tác xã là 5.935 nghìn thành viên, tăng 243 nghìn thành viên (khoảng 4%); số hợp tác xã là thành viên của Liên hiệp hợp tác xã là 851, tăng 183 hợp tác xã (khoảng 27%) so với năm 2021… Doanh thu bình quân của các hợp tác xã đạt 3.592 triệu đồng/hợp tác xã, tăng 935 triệu đồng (khoảng 35%) so với năm 2021.
Mục tiêu năm 2023, cả nước có khoảng 73 nghìn tổ hợp tác với 1,1 triệu thành viên; 31 nghìn hợp tác xã với 6,7 triệu thành viên, 158 liên hiệp hợp tác xã với 870 hợp tác xã thành viên. Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm trên 60% tổng xố hợp tác xã. Trên 2000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản.
Bên cạnh đó, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 32% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; xử lý dứt điểm tình trạng các hợp tác xã đã ngừng hoạt động và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Thúc đẩy khu vực hợp tác xã nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn
Tại cuộc họp, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Về mặt chính trị, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là rất quan trọng. Nhưng thực tế, khu vực này là yếu nhất. Phải xác định như vậy để có giải pháp phù hợp cho thời gian tới. 2/3 hợp tác xã hoạt động trong khu vực nông nghiệp, do đó, cần xác định rõ động lực để thúc đẩy khu vực hợp tác xã nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đình Cung đề nghị trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần quy định cụ thể về động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển. Đơn cử như, cơ chế để hợp tác xã thu hút nhân tài (cơ chế làm việc, tiền lương)
Ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có sự chuyển đổi về chất, nhưng nhìn chung quy mô của hợp tác xã còn khiêm tốn. Chính sách cần phải hướng mạnh tới việc hỗ trợ các hợp tác xã phát triển quy mô (cả về quy mô dịch vụ, số lượng hợp tác xã, số lượng thành viên tham gia). Đồng thời, cần phải có quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận đất đai (tập trung, tích tục đất đai), tiếp cận tín dụng, khoa học công nghệ để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã - phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết
Lắng nghe các ý kiến của đại diện các bộ ngành, cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả đã đạt được về kết quả phát triển kinh tế tập thể năm 2022. Ban Chỉ đạo đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chủ trương, chính sách và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; trọng tâm là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW; triển khai thực hiện nhiệm vụ sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 đảm bảo chất lượng và theo đúng kế hoạch đề ra;…
Trong kinh tế tập thể, khó nhất là vấn đề phân phối, “làm ra đã khó, nhưng tổ chức phân phối đảm bảo công bằng và phát triển còn khó hơn”. Chính vì vậy, quá trình soạn thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cầu thị tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, khảo sát, tổng kết kinh nghiệm thực tế để thể chế hóa vấn đề này - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, bên cạnh đó, hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Chịu tác động của biến động thị trường; quy mô nguồn vốn nhỏ; trình độ cán bộ hạn chế, chậm chuyển đổi số. Hợp tác xã chưa thu hút được nhiều thành viên tham gia và yếu trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. Một số chính sách còn chưa phù hợp với tính chất, quy mô và đặc điểm của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. Nguồn lực triển khai chính sách chưa thực sự hiệu quả. Do tác động của dịch COVID-19, hoạt động của Ban Chỉ đạo trong 2 năm qua chưa được thường xuyên, liên tục…
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn Luật, để đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã mới; Tránh tình trạng Luật phải chờ Nghị định, Thông tư mới đi vào cuộc sống.
Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể các Luật về thuế để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung; trong đó cần có chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đặc thù, phù hợp với bản chất tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các tổ chức kinh tế hợp tác.
Ngân hàng Nhà nước rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân trong việc mở rộng địa bàn hoạt động, kết nạp thành viên mới;… sửa đổi các quy định có liên quan, gây vướng mắc, chồng chéo với Luật Hợp tác xã; nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về cho vay nội bộ trong quá trình sửa đổi Luật hợp tác xã.
Văn phòng Chính phủ khẩn trương rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022.
Bên cạnh đó là kiện toàn và nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể, kiện toàn nhân sự, bộ máy giúp việc của Ban Chỉ đạo các cấp để tạo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, toàn diện và thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể.
Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã, các hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp để nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là việc tuyên truyền và nhân rộng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng, với những tín hiệu mới đang tác động lớn tới phong trào hợp tác xã, sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hợp tác xã, trong thời gian tới kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta sẽ sớm phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.