Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tạo động lực mạnh cho kinh tế tập thể

Chiều 7/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tổ chức họp tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phát biểu chỉ đạo. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Đây là phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo sau nhiều năm gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và cũng là phiên họp đầu tiên do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo trực tiếp chủ trì.

Phát biểu khai mạc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm, xác định đúng hướng đi, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ các rào cản, tạo động lực mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển như Đảng, Nhà nước đã đề ra và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động các tổ chức kinh tế hợp tác trong thời gian tới

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khu vực kinh tế tập thể đã có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, quá trình phát triển và chuyển đổi về số lượng, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết và hiệu quả hoạt động.

Tính đến hết năm 2022, cả nước có gần 30.000 hợp tác xã, tăng hơn 2.000 hợp tác xã tương ứng 7% so với năm 2021; có 125 liên hiệp hợp tác xã, tăng 18 liên hiệp hợp tác xã - khoảng 17% so với năm 2021 và 71.000 tổ hợp tác. Các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế hợp tác đều tăng so với năm 2021.

“Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước; năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Trong bối cảnh mới, phong trào hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn và thách thức trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường ngày càng khốc liệt; bất ổn chính trị leo thang; biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, phức tạp, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra rất nhanh ở khắp cả nước; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi hợp tác xã phải có sự thay đổi và chủ động thích ứng...

Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, năm 2023 là năm cả nước tập trung triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ giải pháp quan trọng về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIII để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” và triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ban hành kèm theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ.

Do đó, theo tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư, cần đánh giá kết quả công tác trong năm 2022 của Ban Chỉ đạo, đồng thời cùng nhau thảo luận, xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2023.

Thúy Hiền (TTXVN)
Hải Dương: Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Hải Dương: Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cần hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững, áp dụng công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm chủ lực...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN