Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trong phát triển kinh tế số ở TP Hồ Chí Minh tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2022, tổ chức ngày 15/4.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, chuyển đổi số, kinh tế số đang là xu thế tất yếu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đảng và Chính phủ đã có nhiều văn bản về chủ trương, chính sách chủ động tham gia thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số.
Mới đây, ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Năm 2021, kinh tế-xã hội và mọi mặt đời sống của TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng đại dịch COVID-19. Đến quý I/2022, toàn thể bộ máy chính quyền, doanh nghiệp và người dân thành phố đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế phục hồi và từng bước phát triển, đóng góp tích cực vào phục hồi chung của cả nước.
“Chính trong đại dịch COVID-19, các hoạt động về thương mại điện tử, chuyển đổi số được đẩy mạnh và tăng tốc đáng kể. Tuy nhiên, chuyển đổi số và kinh tế số mới chỉ đang bắt đầu, tiềm năng ứng dụng và phát triển còn rất lớn, cần có định hướng và cách triển khai phù hợp để khai thác tốt tiềm năng này”, Phó Thủ tướng nói.
Về mục tiêu phát triển kinh tế số, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, TP Hồ Chí Minh đã đặt ra các mục tiêu cao hơn cả nước, đến 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến năm 2030 đóng góp 40%, tương ứng cả nước là 20% và 30%. Kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng tái cấu trúc nền kinh tế và trước mắt giúp phục hồi nhanh về tăng trưởng kinh tế. Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần quan trọng thành công trên cả nước; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của thành phố và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực.
Để thực hiện thành công các mục tiêu này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực. Bởi, chỉ khi có nền kinh tế mạnh, hàng hóa dịch vụ dồi dào thì mới là nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế số, kinh doanh trực tuyến hay các dịch vụ cao cấp khác.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP Hồ Chí Minh trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, rà soát các bất cập về thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế số là vấn đề mới đối với Việt Nam, nhưng không mới đối với nhiều quốc gia, đã hình thành các khuôn khổ, cách tiếp cận chung có tính chất toàn cầu, với bản chất không biên giới. Do đó, cần tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi các quốc gia, các đối tác, nhưng cần học hỏi một cách nghiêm túc, bài bản và liên tục mới hấp thụ được các tinh hoa, các bài học quý báu của bạn bè quốc tế. Việc vận dụng vào thực tế cần đảm bảo tính đặc thù của Việt Nam và thành phố, không máy móc.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, định hướng chung và chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số đã có, vấn đề còn lại là triển khai nhanh chóng và hiệu quả vào các hoạt động thực tế của thành phố.
“Phương châm về thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số là “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thực tiễn, cụ thể”. Tuyệt đối không thể triển khai theo kiểu phong trào, vì chắc chắn sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. Muốn vậy cần có kế hoạch chi tiết, khả thi với các giải pháp đồng bộ, tạo cơ hội để các bên có liên quan tham gia vào chuyển đổi số, kinh tế số”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng chỉ ra, chính quyền phải là người dẫn dắt, khai phá, tạo điều kiện cho sự phát triển, thu hút doanh nghiệp, cá nhân tham gia trong một hệ sinh thái chung. Cách làm là những vấn đề đã có quy định hay được thực tiễn chứng minh là đúng thì tiếp tục thực hiện, còn những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì đề xuất thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng từng bước, không cầu toàn, không nóng vội. Trong giai đoạn trước mắt, trong khi tiếp tục đầu tư hạ tầng số và cải thiện các hạ tầng thiết yếu khác, một việc rất quan trọng nhưng ít tốn kém là nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng của nhân lực tham gia chuyển đổi số và kinh tế số.
Tại buổi khai mạc, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% GRDP; đến năm 2030, trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, kinh tế số chiếm 40% GRDP.
Để đạt được mục tiêu đó, TP Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch hành động chuyển đổi số; đặt mục tiêu sớm đưa Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo thành phố và Trung tâm tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số hoạt động hiệu quả.
Thành phố cũng triển khai đề án xây dựng đô thị thông minh (giai đoạn 2) và hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước thúc đẩy các đề án phát triển giáo dục thông minh, y tế thông minh, chương trình Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo. TP Hồ Chí Minh quyết tâm hình thành nhanh một hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho sự phát triển kinh tế số của thành phố.
Tuy nhiên, đại dịch làm đứt gãy sự tăng trưởng, đà tăng trưởng mạnh mẽ của thành phố, song cũng từ đó cho thấy vai trò của công nghệ số đối với hoạt động chống dịch, hồi phục kinh tế.
"Với tinh thần đó, diễn đàn kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng với TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp nhằm kiến tạo mô hình chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trước mắt và lâu dài", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho hay.
Tại Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2022, các diễn giả, đại biểu sẽ tập trung thảo luận vào 4 chủ đề chính, bao gồm bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030; Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TP Hồ Chí Minh: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030; Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: thách thức và giải pháp; Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.