Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân họp Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam

Biểu dương những nỗ lực của Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam (Quỹ) trong thời gian qua, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, hiện nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam là quỹ duy nhất của Nhà nước thành lập từ năm 1992 theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (nay là Luật Trẻ em 2016), được quốc tế công nhận nên có tính pháp lý rất cao.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Do đó, Phó Chủ tịch nước đề nghị cần làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Bảo trợ trong hoạt động Quỹ cũng như hệ thống Quỹ các cấp để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đối với các nhiệm vụ cụ thể, Phó Chủ tịch nước nêu rõ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra tầm nhìn dài, chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, năm 2045. Trong đó, nguồn nhân lực luôn được đặt lên vị trí hàng đầu, là một trong ba đột phá chiến lược. Do đó, trẻ em phải được đặt trong vị trí quan trọng trong thực hiện triển khai chiến lược này. 

Trong bối cảnh có nhiều thuận lợi xen lẫn thách thức, cả nước đang nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, trẻ em là một trong những đối tượng chịu tác động mạnh mẽ của dịch bệnh, Phó Chủ tịch nước đề nghị Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cần xác định rõ những nhiệm vụ, hoạt động trước mắt, cấp bách để thích nghi kịp thời với bối cảnh. Đồng thời, Hội đồng Bảo trợ và Quỹ đề ra nhiệm vụ dài hạn theo chiến lược phát triển nguồn nhân lực đất nước, cũng như đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế đối với quyền trẻ em. Quỹ tiếp tục mở rộng hơn về đối tượng được hỗ trợ, cách thức, nguồn lực vận động xã hội trong nước và quốc tế để đào tạo lớp trẻ em tương lai đáp ứng yêu cầu phát triển.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Cùng với việc bổ sung thành viên Hội đồng Bảo trợ, xác định chỉ tiêu hoạt động, quy chế làm việc, Phó Chủ tịch nước yêu cầu tăng cường đổi mới công tác thông tin truyền thông để theo kịp bối cảnh hiện nay. Bởi đây là cách vận động hữu hiệu và minh bạch hóa hoạt động, lan tỏa tấm lòng, tình yêu thương, truyền thống nhân ái trong các chủ trương của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với trẻ em, góp phần nâng cao quyền trẻ em, quyền con người trong mắt bạn bè quốc tế. 

Thông qua hoạt động của 14 chương trình tiêu biểu, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tích cực đề xuất với Đảng, Nhà nước để tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Phó Chủ tịch nước mong muốn, với tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm của Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, các mạnh thường quân, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả hiệu quả, thiết thực.

Chú thích ảnh
Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Hoàng Văn Tiến phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian tới, Hội đồng Bảo trợ và thành viên của Quỹ sẽ tích cực triển khai kế hoạch kỷ niệm 30 năm thành lập và hoạt động của Quỹ; chuẩn bị hoạt động chương trình "Mùa Xuân cho em" lần thứ 15 năm 2022; tổ chức gặp mặt các nhà tài trợ trong nước và các tổ chức quốc tế...

Cùng với việc quan tâm, chăm sóc cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các nhiệm vụ thường xuyên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị quan tâm đến trẻ em bị ung thư, đang chạy thận có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; cân nhắc nội dung, phương thức hoạt động và mở rộng ra để tham vấn về chính sách, cơ chế, sự phối hợp hoạt động hiệu quả, phù hợp hơn.

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã huy động được khoảng 575 tỷ đồng và triển khai những hoạt động thiết thực, được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vinh dự nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới.

Chú thích ảnh
Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy viên Hội đồng Bảo trợ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Năm 2021, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đạt các chỉ tiêu đề ra, dự kiến hỗ trợ 113.870 lượt trẻ em, đạt 103% so với kế hoạch năm, với kinh phí 72,272 tỷ đồng. Các hoạt động hỗ trợ trẻ em có sự thay đổi, tập trung ưu tiên hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cùng với đó, Quỹ tiếp tục hỗ trợ khảo sát, khám phân loại bệnh tim bẩm sinh, dị tật vận động, dị tật mắt cho hàng nghìn trẻ người dân tộc thiểu số, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo vùng núi cao; hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh, phẫu thuật nụ cười; hỗ trợ sữa, học bổng, dụng cụ học tập, xe đạp và bảo trợ dài hạn; hỗ trợ điểm vui chơi cho trẻ mẫu giáo ở vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới, vùng dân tộc ít người…

Trước đó, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà công bố Quyết định về việc kiện toàn Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam; giới thiệu Chủ tịch, Phó Chủ tịch và 19 ủy viên Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam.

Diệp Trương (TTXVN)
Lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) ngày 27/10 cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng (Bộ Quy tắc), nhằm triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN