Các nội dung về sự cần thiết ban hành Luật; tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của dự thảo Luật; bố trí lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở… đã được các đại biểu, thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp tổ.
Sau nội dung này, Quốc hội tiến hành xem xét công tác nhân sự. Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tiếp đó, Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Tại phiên họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm nhân sự thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 với 444/445 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,12% tổng số đại biểu. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao với 441/446 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,49% tổng số đại biểu Quốc hội.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện ngay từ ngày 1/7/2021 mà không qua thí điểm. Việc ban hành Nghị quyết này là phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019. Theo đó, chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ các trường hợp cụ thể khác do Quốc hội quy định. Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 địa phương đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội; kết quả thí điểm cho thấy việc không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường là phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố ủng hộ.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 6 năm thực hiện mô hình thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp huyện, quận, phường trong giai đoạn 2009 - 2016 và đã tổng kết việc thí điểm này. Qua đó cho thấy, mô hình này có tính hiệu quả. Do đó, dự thảo Nghị quyết Chính phủ trình không thí điểm mà tổ chức thực hiện luôn mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
"Dù là thí điểm hay không thì Chính phủ vẫn đề nghị sau khoảng 3 năm thực hiện, nên có sơ kết. Nếu mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian thực hiện thấy cần điều chỉnh, chúng ta sẽ tiếp tục đề nghị Quốc hội để điều chỉnh" - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 với 446/448 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 92,53% tổng số đại biểu Quốc hội.
Sau đó, Quốc hội tiến hành họp riêng dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung này. Thời gian còn lại của phiên họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Nghị quyết về thí điểm quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Ngày 13/11, trong phiên họp sáng, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Buổi chiều Quốc hội biểu quyết: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.