Phát triển công nghệ đo đạc bản đồ trong thu nhận dữ liệu địa không gian

Ngày 9/7, tại Hà Nội, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập (9/7/1994-9/7/2019) và Hội thảo khoa học “Phát triển công nghệ đo đạc bản đồ trong thu nhận dữ liệu địa không gian”.

Khẳng định vị thế trong lĩnh vực đo đạc - bản đồ

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định: Sau 25 năm phát triển, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã và đang tiếp tục khẳng định một vị thế của một Viện khoa học đầu ngành trong lĩnh vực đo đạc - bản đồ trên cả nước.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Là một đơn vị khoa học công nghệ công lập có uy tín trong nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu triển khai ứng dụng về Trắc địa, Bản đồ GIS, Địa chính và Viễn thám, cơ sở đào tạo tiến sỹ kỹ thuật trắc địa bản đồ đáng tin cậy...

Đặc biệt trong thời gian gần đây Viện đã có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nói chung, cũng như công tác quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ nói riêng.

Các nghiên cứu tại nhiều đề tài khoa học của Viện đã được triển khai ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương trên cả nước, có thể kể đến các nghiên cứu về ứng dụng GPS ở Việt Nam từ những năm 1990; nghiên cứu ứng dụng công nghệ ảnh số từ cuối những năm 1990 cho đến nay; nghiên cứu ứng dụng công nghệ trọng lực trong những năm 2000; nghiên cứu về quản lý cơ sở dữ liệu địa chính cấp tỉnh với phần mềm ViLIS; các nghiên cứu cơ bản về xây dựng hệ tọa độ, độ cao ở Việt Nam và gần đây là hệ thống quan trắc địa động lực trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam ...

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đánh giá cao kết quả, sự nỗ lực, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo Viện, các nhà khoa học cùng toàn thể viên chức, người lao động của Viện qua các thời kỳ.

Viện đã phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ, các Vụ chức năng của Bộ để giúp Viện không ngừng lớn mạnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Bộ giao trong thời gian qua.

Đến nay Viện đã có một cơ sở vật chất với nhiều các trang thiết bị hàng đầu thế giới như máy đo trọng lực tuyệt, máy đo công trình ngầm, các thiết bị định vị vệ tinh thế hệ mới, phần mềm GIS, các công nghệ UAV, LiDar…, số lượng các cán bộ có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ không ngừng được tăng thêm.

Viện đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học cơ bản và đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn dưới dạng các dự án sự nghiệp kinh tế, tiến hành nghiên cứu khoa học trong cả các lĩnh vực trắc địa - bản đồ và địa chính, kết hợp nghiên cứu khoa học và đào tạo tiến sĩ tại Viện.

Viện đã xây dựng Phòng Thí nghiệm trọng lực được trang bị nhiều máy đo trọng lực hiện đại, Tạp chí Khoa học Đo đạc và Bản đồ trở thành tạp chí khoa học có uy tín, duy nhất của lĩnh vực đo đạc và bản đồ Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Luật Đo đạc và bản đồ đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành, cùng với Cách mạng công nghiệp 4.0, trong bối cảnh đó đặt ra những yêu cầu quản lý và nghiên cứu khoa học công nghệ về đo đạc, bản đồ và hệ thống tin địa lý vào quá trình thu nhận, phân tích, tích hợp dữ liệu địa không gian ở độ chính xác cao, kịp thời và hiệu quả.

Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ cần phải định hướng chiến lược một cách đúng đắn, với mục tiêu trở thành một viện nghiên cứu cơ bản đầu ngành, có năng lực và trình độ khoa học công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực và tiếp cận với trình độ của các nước phát triển trên thế giới, đồng thời góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực đo đạc và bản đồ, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ các yêu cầu của quản lý nhà nước về lãnh thổ, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm an ninh, quốc phòng; nghiên cứu khoa học về Trái Đất; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; đáp ứng thông tin cho nhu cầu sử dụng của cộng đồng trong hoạt động kinh tế, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, dân sinh và xã hội.

Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Phó Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Nguyễn Phi Sơn vì có thành tích xuất sắc giai đoạn 2014-2019; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho một tập thể và ba cá nhân có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Cờ thi đua của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hai đơn vị thuộc Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ.

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành

Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển công nghệ đo đạc bản đồ trong thu nhận dữ liệu địa không gian”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhận định rằng việc tổ chức hội thảo là rất hữu ích vì mục tiêu phát triển bền vững ngành đo đạc và bản đồ.

Hội thảo nhằm tổng kết, truyền bá những kết quả nghiên cứu khoa học mới và khẳng định bề dày lịch sử, truyền thống nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ của lĩnh vực đo đạc và bản đồ nói chung và của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ nói riêng.

Đồng thời, đây cũng là diễn đàn cho các nhà khoa học, chuyên gia trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm vì mục tiêu xây dựng ngành đo đạc và bản đồ ngày một vững mạnh, phát triển bền vững và chủ động trong hội nhập quốc tế.

Viện trưởng Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ Lê Anh Dũng cho biết, hiện dữ liệu địa không gian ngày càng được quan tâm và ứng dụng rộng rãi ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế. Đặc biệt trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu địa không gian vừa là nền tảng vừa là công cụ cho phát triển các hệ thống không gian.

Tại Hội thảo các nhà khoa học đã trình bày nội dung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống xuồng tự hành và xây dựng phần mềm đo sâu hồi âm, phần mềm RTK-IMU phục vụ tự động hóa công tác thành lập bản đồ địa hình đáy sông, biển của nhóm tác giả Lưu Hải Âu, Đặng Xuân Thủy, Phạm Thành Việt, Ngô Thủy Liên.

Nghiên cứu này nhằm mục đích nâng cao hiệu quả và tự động hóa công tác khảo sát bản đồ địa hình đáy sông, biển; đồng thời khắc phục một số khó khăn của công nghệ truyền thống.

Hội thảo cũng công bố nghiên cứu “ứng dụng hệ thống RIS HI-MOD trong công tác khảo sát hạ tầng kỹ thuật ngầm” của nhóm tác giả Thạc sỹ Vũ Duy Tân và Thạc sỹ Nguyễn Thanh Thủy, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ.

Thạc sỹ Nguyễn Thanh Thủy cho biết: Ngày nay sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và các đô thị nói riêng gắn liền với xây dựng và phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trong đó có hạ tầng kỹ thuật ngầm như cáp điện, cáp quang, cáp thông tin, các công trình đường ống (đường ống cấp nước, đường ống thoát nước và các công trình cống, bể cáp kỹ thuật...).

Đối với ngành tài nguyên và môi trường, nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm có liên quan đến lĩnh vực môi trường như các hệ thống xả thải ngầm...

Theo đó, ở hai đô thị lớn của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, qua kiểm tra tại 34 khu đô thị mới thì chỉ có 12 khu đô thị có bố trí hào kỹ thuật và thực hiện việc hạ ngầm, sử dụng chung, còn lại hầu hết bố trí đi nổi.

Một số khu đô thị đã có hào kỹ thuật nhưng kích thước nhỏ và không đồng bộ. Trong khi đó, các văn bản pháp luật liên quan đến xây dựng và quản lý công trình ngầm đô thị nói chung và công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nói riêng đã được ban hành.

Song các nội dung các văn bản đó không thống nhất khiến cho việc phát triển hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm ở Việt Nam nói chung, các đô thị lớn nói riêng vẫn dừng ở chỗ còn mới lạ.

Do vậy, thiết bị Ris Hi-mod của Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ đã được sử dụng để phục vụ công tác khảo sát các công trình hạ tầng ngầm và các tiện ích ngầm thời gian qua.

Có thể khẳng định, thiết bị Ris Hi-mod là một phần không thể thiếu trong công tác khảo sát dò tìm và thành lập các loại bản đồ công trình ngầm trong hiện tại và tương lai, phục vụ nhu cầu của đời sống kinh tế-xã hội.

 

Hoàng Nam (TTXVN)
Hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép
Hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 27/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN