Nhiều quy định 'đột phá' về thể chế chính sách trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ

Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 9 Chương với 61 Điều, trong đó có nhiều nội dung mới được quy định cụ thể để đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và mang tính “đột phá” về thể chế chính sách trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Chú thích ảnh
Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 9 Chương với 61 Điều, trong đó có nhiều nội dung mới được quy định cụ thể. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Tiến sỹ Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam nhận định: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra một cách rất nhanh chóng và năng động dựa trên ứng dụng các công nghệ nền tảng về dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, internet kết nối vạn vật… đặc trưng bởi sự hợp nhất, không có ranh giới giữa thế giới thực và ảo của các lĩnh vực, các công nghệ mới đỉnh cao như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, tích hợp con người - máy móc.

Sự hội tụ và tích hợp ấy thúc đẩy sự phát triển của xã hội loài người với tốc độ nhanh chóng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, thúc đẩy các nước phải khản trương xây dựng chiến lược phù hợp để ứng dụng các thành quả của cuộc cách mạng này nếu không muốn bị chậm trễ và tụt hậu.

Từ đó hình thành trào lưu mới trên thế giới trong xây dựng và phát triển các đô thị thông minh, chính phủ thông minh, dựa trên một trong những nền tảng quan trọng là thu thập và xử lý hệ thống dữ liệu không gian địa lý.

Luật có các nội dung mới nhằm đáp ứng những yêu cầu đó như: Đảm bảo quản lý thống nhất hoạt động đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước, tránh chồng chéo trong công tác quản lý và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đo đạc và bản đồ từ Trung ương đến địa phương và giữa các bộ, ngành; thống nhất, đồng bộ dữ liệu để dùng chung; tăng cường phân cấp trách nhiệm tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ cho UBND cấp tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nguồn lực của xã hội tham gia vào các hoạt động đo đạc và bản đồ; thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiến tiến, hiện đại trong thu nhận và xử lý thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, góp phần thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật dựa trên cơ sở dữ liệu không gian địa lý…

Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI) cũng là vấn đề rất mới lần đầu tiên được quy định tại Luật Đo đạc và Bản đồ với 6 điều từ Điều 43 đến Điều 48. Đây là những quy định khung nhằm thúc đẩy việc triển khai xây dựng, phát triển NSDI của Việt Nam, một hạ tầng thông tin rất quan trọng phục vụ cho Chính phủ điện tử, xây dựng đô thị thông minh, chia sẻ, dùng chung dữ liệu, tránh chồng chéo lãng phí, đáp ứng các yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại Hoa Kỳ, năm 1994, Tổng thống Bill Clinton đã ban hành sắc lệnh về điều phối việc xây dựng, quản lý Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia của Hoa Kỳ. Đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên trên thế giới về NSDI. Mô hình NSDI của Hoa Kỳ được nhiều nước trên thế giới làm căn cứ áp dụng cho quốc gia mình.

Theo đó, “hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia là tập hợp các chính sách, tổ chức, thể chế, tiêu chuẩn, công nghệ, dữ liệu và nguồn lực nhằm chia sẻ và sử dụng hiệu quả dữ liệu không gian địa lý trong phạm vi cả nước”.

NSDI cung cấp nguồn thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời để trợ giúp ra quyết định phát triển đất nước, phục vụ chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước, xây dựng và quản lý xã hội thông tin, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; nâng cao dân trí; thúc đẩy kinh doanh hiệu quả.

NSDI thúc đẩy quá trình chia sẻ, dùng chung dữ liệu không gian địa lý từ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân thông qua việc thống nhất tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và khả năng tương tác của dữ liệu trên Internet; tránh đầu tư chồng chéo, trùng lặp, tránh lãng phí ngân sách.

Theo Tiến sỹ Phan Đức Hiếu, dữ liệu đo đạc và bản đồ cơ bản là dữ liệu khung làm nền tảng để xây dựng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Hiện các nước phát triển và nhiều nước khác trên thế giới đã xây dựng NSDI, nhiều quốc gia đã ban hành Luật Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.

Trong khu vực ASEAN, các nước Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines, Thái Lan… đã xây dựng NSDI. Từ những lý do trên, 6 điều quy định trong Luật về NSDI và giao Thủ tướng Chính phủ điều phối hoạt động của NSDI là rất cần thiết.

Thể chế hoá những chủ trương, chính sách lớn

Trưởng phòng Chính sách Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam Nguyễn Văn Thảo cho biết: Luật được xây dựng trên các nguyên tắc xuyên suốt như: Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao dân trí, làm nền tảng để phát triển Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; đo đạc và bản đồ cơ bản là hoạt động điều tra cơ bản làm nền tảng sử dụng chung, phục vụ phúc lợi công cộng phải được Nhà nước quản lý, đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện. đầu tư cho đo đạc và bản đồ cơ bản là đầu tư cho phát triển và bảo vệ đất nước, cần phải đi trước một bước.

Thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ cơ bản là nền tảng để phát triển các sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành; huy động nguồn lực xã hội phát triển kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho sản xuất và phát triển các ứng dụng thông tin địa lý phục vụ nâng cao dân trí, tiến bộ xã hội; sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu của đời sống; tăng cường hội nhập quốc tế về đo đạc và bản đồ; các chủ trương, chính sách lớn được thể chế hoá trong Luật Đo đạc và Bản đồ.

Trên cơ sở những quan điểm, nguyên tắc nêu trên, Luật đã tập trung thể chế hóa các chủ trương, chính sách lớn như: Đầu tư phát triển hạ tầng đo đạc, cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý quốc gia tiên tiến, đồng bộ, hội nhập quốc tế, kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Luật ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại, thống nhất và đồng bộ. Tập trung vào các công nghệ hiện đại như công nghệ định vị vệ tinh, công nghệ ảnh số, viễn thám, công nghệ GIS.

Luật có các nội dung tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao dân trí.

Với các nội dung nêu trên, Luật Đo đạc và Bản đồ cơ bản đã giải quyết được những tồn tại, vướng mắc, đảm bảo quản lý thống nhất hoạt động đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước; đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ kịp thời, đầy đủ, chính xác đáp ứng yêu cầu quản lý của bộ, ngành, địa phương, yêu cầu sử dụng của tổ chức, cá nhân.

Hoàng Nam (TTXVN)
Luật Đo đạc và Bản đồ: Phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia
Luật Đo đạc và Bản đồ: Phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia

Với 9 Chương, 61 Điều, Luật Đo đạc và Bản đồ có nhiều quy định mang tính đột phá về thể chế chính sách trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN