Phát huy nguồn lực tài nguyên và môi trường vì tương lai bền vững

Triển khai nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, minh bạch; tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong quy định của pháp luật, xây dựng hệ thống quy hoạch đồng bộ để giải phóng, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Tài nguyên và Môi trường nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm vượt qua thách thức, tạo dựng cơ hội, đoàn kết sáng tạo, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Thăng Long II. Ảnh: monre.gov.vn

Đóng góp thực chất cho chuyển đổi xanh 

Điểm lại những thành tựu của đất nước trong năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong kết quả chung của cả nước có sự đóng góp quan trọng của ngành Tài nguyên và Môi trường. Với tinh thần, trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao, ngành đã khắc phục khó khăn, xử lý kịp thời, có hiệu quả các phát sinh, vướng mắc để hoàn thành nhiệm vụ. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, bám sát chủ đề điều hành "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", toàn ngành Tài nguyên và Môi trường kịp thời phản ứng chính sách để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh có liên quan đến công tác quản lý nhà nước của ngành.

Bộ đã chủ động, khẩn trương triển khai lập, trình phê duyệt 8 quy hoạch cấp quốc gia; trong đó Quy hoạch không gian biển quốc gia là nhiệm vụ khó, phức tạp, lần đầu được thực hiện ở nước ta. Quy hoạch này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở cho phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Năm 2023 được đánh giá là năm của tổng kết thực tiễn, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên và môi trường. Ngành đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/06/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của ngành tài nguyên và môi trường; trong đó đặc biệt là đất đai, địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, an ninh nguồn nước...

Điểm nổi bật trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đánh dấu một bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án Luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội, mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cả trước mắt và lâu dài. Trong 2,5 tháng (từ 1/1 đến 15/3/2023), hơn 12,1 triệu ý kiến của cử tri và nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được gửi đến cơ quan soạn thảo. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được triển khai nghiêm túc, hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng.

Năm 2023 cũng là năm ngành Tài nguyên và Môi trường có nhiều dấu ấn đặc biệt trên lĩnh vực hợp tác quốc tế, tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm vào các cơ chế hợp tác, đón đầu các cơ hội từ xu thế phát triển. Ngành đã tham mưu kịp thời cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ triển khai các cam kết quốc tế về môi trường, khí hậu, nhất là cam kết về mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, chuyển đổi năng lượng công bằng, đổi mới cơ chế tài chính, tín dụng quốc tế cho phát triển bền vững. 

Nổi bật là Đoàn công tác của Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự Hội nghị COP28 tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất. Thủ tướng Chính phủ đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động vì khí hậu, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc về biến đổi khí hậu. Thủ tướng chủ trì Lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng; có 15 cuộc tiếp xúc, trao đổi với các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và các tổ chức hàng đầu quốc tế, mở ra nhiều cơ hội hợp tác ngoại giao, kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Qua đó, từng bước góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực ngoại giao tài nguyên, môi trường và khí hậu; khẳng định vai trò và đóng góp quan trọng của Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách là Cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện các công ước, nghị định thư và thỏa thuận quốc tế về môi trường, khí hậu.

Vì tương lai bền vững

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết xác định năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, toàn ngành Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường vì tương lai bền vững. 

Trên cơ sở đặt mục tiêu bằng hoặc cao hơn năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường duy trì và phấn đấu thăng hạng Chỉ số cải cách hành chính của Bộ; cải thiện chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai và môi trường; nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; cải thiện các chỉ số thành phần môi trường; kiểm soát, giám sát hồ chứa thủy điện thủy lợi; tăng tự động hóa số trạm quan trắc khí tượng thủy văn giám sát dự báo, cảnh báo kịp thời thiên tai bão, lũ; tăng cường năng lực giám sát môi trường...

Ngành tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; tập trung xây dựng thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, huy động nguồn lực để thực hiện cơ sở dữ liệu đất đai, về môi trường, khoáng sản kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Ngành thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tập trung thực hiện công tác lập quy hoạch đảm bảo quỹ đất cho phát triển, rà soát ưu tiên quỹ đất cho quy hoạch phát triển các trung tâm kinh tế, công nghiệp ven bờ

Cùng với đó, ngành Tài nguyên và Môi trường triển khai kế hoạch hành động thực hiện cam kết chính trị với các đối tác về hỗ trợ chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển các ngành kinh tế dựa vào hệ sinh thái và triển khai các mô hình thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu…

Để triển khai thắng lợi các mục tiêu trên, toàn ngành Tài nguyên và Môi trường xác định các khâu đột phá là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, minh bạch; tháo gỡ các "nút thắt, điểm nghẽn" trong quy định của pháp luật, xây dựng hệ thống quy hoạch đồng bộ để giải phóng, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội. 

Ngành tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai, số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và các cơ sở dữ liệu quan trọng, cấp bách tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh. Cùng với đó, ngành chủ động hội nhập với các xu thế của thời đại, huy động các nguồn lực xã hội, hỗ trợ quốc tế thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Từ "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" năm 2023 đến “Đoàn kết kỷ cương, chủ động linh hoạt, kịp thời hiệu quả, phát triển bứt phá” năm 2024, ngành Tài nguyên và Môi trường quyết tâm cụ thể hóa nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác với khí thế mới, niềm tin thắng lợi mới.

Hoàng Vân (TTXVN)
Thực thi hiệu quả pháp luật về tài nguyên và môi trường
Thực thi hiệu quả pháp luật về tài nguyên và môi trường

Năm 2024, công tác phổ biến giáo dục phát luật và truyền thông chính sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường cần được nâng cao, đổi mới toàn diện và lồng ghép vào quá trình xây dựng chính sách một cách phù hợp để hoạt động này ngày càng hiệu quả, đi vào thực chất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN