Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn tối 10/3 cho biết: Lúc 14h10 ngày 10/3, một máy bay trên đường hàng không L642 báo cáo với Trung tâm Kiểm soát đường dài Hong Kong đã nhìn thấy một số mảnh vỡ kim loại trên mặt biển xung quanh khu vực cách Đông Nam mũi Ô Cấp, Bà Rịa- Vũng Tàu khoảng 32 hải lý.
Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, tính đến 18h ngày 10/3, Việt Nam đã sử dụng 6 máy bay với 12 chuyến bay; 7 tàu các loại tiếp tục công tác tìm kiếm tại hiện trường, tập trung tìm kiếm, xác minh các vật thể do máy bay phát hiện. Tàu HQ 888 trên đường cơ động đến hiện trường; CSB 2002 xuất phát ra hiện trường thay thế cho tàu CSB 2001 về bổ sung nhiên liệu; HQ 627 bổ sung dầu, nước cho tàu SAR 413. Lực lượng nước ngoài tham gia tìm kiếm cứu nạn có 4 máy bay, 11 tàu gồm: Malaysia có 2 máy máy bay, 7 tàu; Singapore: 2 máy bay, 2 tàu; Trung Quốc: 2 tàu cùng tham gia tìm kiếm.
Máy bay Kasa 8982 hạ cánh xuống sân bây Tân Sơn Nhất sau khi tham gia công tác tìm kiếm trở về. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN. |
Tối
10/3, trở về sau chuyến thị sát trên vùng biển nghi vấn máy bay MH 370
của Hãng hàng không Malaysia mất tích, ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ
Giao thông vận tải cho biết, các phương tiện tìm kiếm của Việt Nam
đã tiến hành trục vớt các vật lạ ở gần đảo Thổ Chu do máy bay của
Singapore phát hiện ra. Tuy nhiên, vẫn chưa thể kết luận đó là những
mảnh vỡ liên quan đến một vụ tai nạn máy bay.
Theo ông Tiêu,
ngày 10/3, đã có 2 máy bay là MI 171 và thủy phi cơ DHC - 6 xuất phát
từ Phú Quốc, cùng với 8 tàu Hải quân, 2 tàu Cảnh sát biển và 2 tàu của
Hàng hải đã tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn máy bay mất tích. Tổng
số các phương tiện tìm kiếm đến thời điểm hiện tại là 34 máy bay, 40 tàu
thủy và nhiều phương tiện đánh cá của ngư dân tham gia hỗ trợ. Tuy
nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu gì tích cực.
Ông Phạm Qúy Tiêu cho biết thêm, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao
thông - Vận tải đã thiết lập Sở chỉ huy tiền phương tại Phú Quốc, mọi
công tác chuẩn bị có liên quan sẽ được xác lập cụ thể để đảm bảo cho
công tác tìm kiếm, cứu nạn. Việt Nam quyết tâm tìm kiếm dấu vết
liên quan đến vụ việc cho đến hết khả năng có thể.
Trong khi đó, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, dự kiến kế hoạch tìm kiếm tiếp theo sẽ dựa trên cơ sở các thông tin hiện có, điều chỉnh lại khu vực trọng tâm cần tập trung lực lượng tìm kiếm mở rộng về khu vực vị trí mất liên lạc ban đầu của máy bay và khu vực Nam Côn Đảo. Sử dụng phương tiện một cách hợp lý và hiệu quả đề phòng phương án phải tìm kiếm dài ngày.
Chiều 10/3, Sư đoàn Không quân 370 Quân chủng Phòng không không quân Việt Nam đã tăng cường thêm một chiếc máy bay trực thăng Mi 171- số hiệu 8431 làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu cứu hộ, cứu nạn vụ máy bay Malaysia bị mất tích. Như vậy, tính đến thời điểm này, tại sân bay Cà Mau có 3 chiếc máy bay trực thăng Mi-171 tham gia đoàn công tác tìm kiếm, cứu nạn. Trong đó, một chiếc đã xuất phát đến vùng biển đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) để phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Đại tá Trần Văn Lâm, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370 Quân chủng Phòng Không không quân (Chỉ huy chung lực lượng Sư đoàn Không quân 370 tại sân bay Cà Mau) cho biết: Trong hai ngày 8 và 9/3, Sư đoàn Không quân 370 đã thực hiện hai chuyến bay đến tọa độ 07 độ 27 phút 40 giây và đã phát hiện được hai vệt trông giống như vệt dầu loang và một chiếc phao tròn trên biển, nhưng vẫn chưa phát hiện được dấu tích của chiếc máy bay mất tích.
Theo kế hoạch, khoảng 7 giờ ngày 11/3, hai chiếc trực thăng Mi 171 tại sân bay Cà Mau xuất phát đến những vị trí tọa độ được nghi vấn xuất hiện một số vật thể lạ trên biển, để tiếp cận, thẩm định thông tin chính xác về các vật thể này, đồng thời tiếp tục tìm kiếm dấu tích về chiếc máy bay bị mất liên lạc của Malaysia.
Chỉ đạo công tác triển khai tìm kiếm, cứu nạn chiếc máy bay Malaysia mất tích tại trụ sở Cục Cứu hộ - Cứu nạn chiều 10/3, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: Ngoài việc tập trung vào vị trí mất tín hiệu, ngày mai (11/3), các lực lượng sẽ điều chỉnh phạm vi tìm kiếm về phía đông đường bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh qua thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ cho đội tìm kiếm ở khu vực này với hy vọng sẽ sớm tìm thấy dấu hiệu của vụ việc.
Cũng trong ngày 10/3, Việt Nam đã huy động thêm 2 máy bay tuần thám của lực lượng Cảnh sát biển bay từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh để sẵn sàng nhận nhiệm vụ tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết thêm, trưa 10/3, thủy phi cơ DHC 6 phát hiện một vật thể hình vuông, màu da cam, nghi là phao cứu sinh tại khu vực cách phía Nam Tây Nam đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang 96 hải lý. Song đến 16h chiều nay vẫn chưa vớt được vật thể này để có thông tin chính xác.
Đánh giá về công tác hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn, trung tướng Võ Văn Tuấn cho rằng, hiện nay việc bố trí khu vực hoạt động của các nước tham gia là hợp lý, đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia tìm kiếm theo khu vực. Việc phối hợp giữa Malaysia, Singapore và Việt Nam hết sức chặt chẽ.
Việt Nam đã cấp phép cho 2 tàu của Trung Quốc và 1 tàu của Mỹ vào tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Về khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trung tướng Võ Văn Tuấn cho biết, việc mất tín hiệu của máy bay Malaysia cũng không bình thường so với những trường hợp tai nạn trước đây. Ngoài ra, do vụ việc xảy ra trên biển nên công tác tìm kiếm khu vực hiện trường gặp nhiều khó khăn. Máy bay cứu nạn cũng gặp nhiều trở ngại về tầm quan sát khi triển khai tìm kiếm cứu nạn vào ban đêm.
Thanh Tuấn - Trường Giang - Kim Há