Còn tình trạng cục bộ và cạnh tranh giữa các địa phương
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, qua 3 năm tổ chức triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP, việc phân cấp, phân định thẩm quyền giữa Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương từng bước được hoàn thiện, hợp lý hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương chủ động nhiều hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Bộ Nội vụ đã phân cấp về: Tuyển dụng công chức, viên chức; nâng ngạch công chức; thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng lao động một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; tinh giản biên chế; quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Ngoài các lĩnh vực cần tập trung đẩy mạnh phân cấp, các bộ, cơ quan ngang bộ đã chủ động rà soát và đề xuất các nội dung thực hiện phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực. Bộ Công Thương đã rà soát và trình cấp có thẩm quyền quyết định phân cấp cho các địa phương thực hiện 143 thủ tục hành chính (127 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp tỉnh; 16 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp huyện) và thực hiện phân cấp cho địa phương trong một số nội dung quản lý nhà nước khác như: Hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; xây dựng đề án, quy hoạch chiến lược phát triển ngành theo vùng, khu vực...
Tuy nhiên, quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế Bộ Nội vụ Nguyễn Văn Lượng cho biết, các quy định về phân cấp thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như phân cấp đồng loạt và đại trà (không phân biệt về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội giữa các địa phương mà thực hiện chung một cơ chế, chính sách trong phân cấp); phân cấp không đồng bộ (thẩm quyền quyết định về đầu tư được mở rộng nhưng không có nguồn lực tài chính để thực hiện). Một số địa phương tự cân đối ngân sách nhưng không được chủ động trong việc điều tiết giữa các cấp ngân sách thuộc phạm vi quản lý đã làm hạn chế việc phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các địa phương còn hạn chế, chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ phát triển vùng. Một số địa phương được xác định vai trò là hạt nhân của vùng được ưu tiên hưởng các chính sách đặc thù nhằm tạo động lực phát triển cho vùng nhưng chưa làm tốt vai trò hạt nhân, vẫn còn tình trạng cục bộ và cạnh tranh giữa các địa phương trong việc thu hút đầu tư trong vùng thay vì phối hợp, hợp tác cùng phát triển.
Cơ chế kiểm tra, giám sát chưa cụ thể, chưa có chế tài, phân cấp nhưng chưa đồng bộ với phân quyền, vẫn còn cơ chế kiểm soát của cấp trên qua các hình thức xin ý kiến, chấp thuận, cho phép...), các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức (nội dung chi, nhiệm vụ chi) chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương nên khi thực hiện thẩm quyển theo phân cấp vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Phân cấp, phân quyền là tất yếu
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng, phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa các cấp chính quyền là vấn đề tất yếu trong quản lý nhà nước. Đặc biệt, Việt Nam tổ chức chính quyền theo 4 cấp: Trung ương – tỉnh – huyện – xã, việc phân cấp, phân quyền càng là đòi hỏi cấp bách. Việc trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực là cơ hội định hướng cho các bộ, ngành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các luật trình Quốc hội gắn nội dung phân cấp phù hợp với thực tiễn.
Mục tiêu của Nghị quyết là thực hiện phân cấp hợp lý về quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực giữa Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ và giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với các địa phương trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết cũng đề ra các nguyên tắc phân cấp là phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và các quy định của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển các tỉnh, thành phố; đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cấp địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, yêu cầu quản lý đối với ngành, lĩnh vực và khả năng tự cân đối ngân sách; xác định rõ chủ thể, nội dung, phạm vi, đối tượng, quyền hạn và trách nhiệm của đối tượng được phân cấp, bảo đảm một việc không quá 2 cấp hành chính quản lý; tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước được phân cấp...
“Cơ quan phân cấp vẫn phải chịu trách nhiệm về việc mình phân cấp. Hiện nay phân cấp rồi có quản lý được không, có đáp ứng tình hình, điều kiện để thực hiện phân cấp? Hệ thống kỷ luật báo cáo của chúng ta còn nhiều vấn đề”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nêu.
Ví dụ được ông đưa ra là thực hiện Nghị định 108/NĐ-CP về tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ duyệt từng người nhưng đến Nghị định 113/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 108) phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện và Bộ Nội vụ chuyển sang hậu kiểm thì đến nay hầu như không làm được. Từ khi phân cấp đến nay, chưa cơ quan nào có báo cáo tổng thể.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu cho rằng, một trong các nhiệm vụ của cải cách hành chính là giải quyết việc phân cấp giữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và của Chính phủ, các bộ, ngành. Chủ trương phân cấp là đúng đắn. Muốn phân cấp quản lý theo ngành, lĩnh vực, phải xác định nội dung quản lý ngành, lĩnh vực là gì, từ đó đưa ra nguyên tắc vấn đề nào có thể phân cấp. Theo ông, phải xác định định mức tiêu chuẩn của từng ngành, nghề mới phân cấp được, đề cao nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực và quản lý theo lãnh thổ. Một số ngành không thể phân cấp được như quốc phòng - an ninh, tiền tệ, tôn giáo.
“Sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước là một bước tiến dài trong tiến trình cải cách hành chính, quốc tế đánh giá rất cao, vì thực ra phân cấp, phân quyền nhưng cuối cùng nó là phân tiền. Cái đầu tiên là phân quản lý ngân sách thì đến giờ Luật đã phân cấp tương đối đồng bộ”, ông Văn Tất Thu nói.
Nêu quan điểm phân cấp phải phát huy tính năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương, nâng cao hiệu quản lý nhà nước, là điều kiện tiên quyết để kiến tạo tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phân cấp nhưng phải đảm bảo quản lý thống nhất của Trung ương về thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Nếu không giữ nguyên tắc này sẽ dẫn đến cát cứ.
“Có ý kiến nói chúng ta phân cấp không cẩn thận sẽ dẫn đến cát cứ và cục bộ địa phương... Phân cấp để tạo điều kiện, đi liền với điều kiện để phát triển, anh phải có nghĩa vụ đóng góp với địa phương, làm sao để địa phương như thời kỳ bao cấp mãi được, phải bỏ tư duy đó đi”, ông Văn Tất Thu cảnh báo.