Hiệu ứng lan tỏa sau sắp xếp đơn vị hành chính - Bài 3: Xung lực mới cho thu hút đầu tư

Sau quá trình sắp xếp và hợp nhất các đơn vị hành chính, cả nước đã chính thức vận hành hệ thống chính quyền địa phương hai cấp. Đây không chỉ là cuộc cách mạng cải cách hành chính đơn thuần, mà còn là một bước đi chiến lược, tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Hiệu quả của việc cải cách bộ máy chính quyền sau sắp xếp, hợp nhất đã và đang tạo nên những xung lực mới, mở rộng cánh cửa thu hút doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Chú thích ảnh
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại xã Nam Cường (tỉnh Hưng Yên). Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Lợi ích dễ dàng nhận thấy nhất từ việc hợp nhất các đơn vị hành chính là sự tinh gọn của bộ máy, giảm thiểu tầng nấc quản lý và các hoạt động kiểm soát. Thay vì phải đi qua nhiều "cửa" như trước đây, nay người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận các dịch vụ hành chính một cách trực tiếp và nhanh chóng hơn. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn giảm thiểu đáng kể các thủ tục rườm rà, tạo ra một môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn.

Bà Đặng Thị Sinh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản 24h (tỉnh Hưng Yên) cho biết, thực sự cảm nhận rõ sự khác biệt. Trước đây, mỗi khi làm thủ tục liên quan đến cấp phép đầu tư hay các vấn đề về đất đai, doanh nghiệp phải "gặp gỡ", tiếp xúc với nhiều sở, ban, ngành khác nhau ở cả cấp tỉnh và cấp huyện. Giờ đây, các đầu mối đã được tinh gọn, thông tin rõ ràng hơn, quy trình cũng được rút ngắn đáng kể. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều thời gian và nguồn lực, đặc biệt là khi triển khai các dự án lớn.

Hơn thế nữa, việc tập trung quyền hạn và nguồn lực vào chính quyền hai cấp sẽ giúp nâng cao năng lực điều hành và phục vụ. Các quyết sách có thể được đưa ra nhanh chóng và hiệu quả hơn, tránh tình trạng chồng chéo hoặc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư, từ đó tạo nền tảng vững chắc để thu hút thêm vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và cả nước.   

Đồng quan điểm, ông Phạm Đăng Hào, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Sao Đỏ Fast (Hải Phòng) chia sẻ, đây là một điểm cộng rất lớn. Khi quyền hạn và trách nhiệm được tập trung, chính quyền địa phương sẽ có đủ năng lực để đưa ra các quyết định kịp thời, linh hoạt hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch, cấp phép xây dựng; hay thậm chí là giải phóng mặt bằng, sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Điều này tạo niềm tin cho nhà đầu tư, khiến họ yên tâm hơn khi rót vốn vào những dự án dài hạn.

Chủ tịch Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) Phạm Văn Thanh cho biết với Petrolimex, chủ trương sáp nhập tỉnh, thành là cơ hội mở rộng mạng lưới bán lẻ, khi các tuyến nội tỉnh, liên vùng, liên tỉnh sẽ được triển khai mạnh. Hiện tỷ trọng bán lẻ đóng vai trò quan trọng và chiếm 60 - 70% lợi nhuận của Tập đoàn. Theo đó, Petrolimex tiếp tục ưu tiên phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu, trạm dừng nghỉ tại các tuyến cao tốc, trục lộ chính, địa bàn trọng điểm; thúc đẩy phương án thuê cửa hàng hoặc hợp tác kinh doanh nhằm tối ưu chi phí đầu tư. 

Theo Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh, ngay khi có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành, Petrolimex đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị, tham khảo ý kiến chuyên gia và các mô hình quốc tế để xây dựng phương án tổ chức mới với mục tiêu tinh gọn, hiệu quả, giảm chi phí và đảm bảo hoạt động thông suốt.

Chú thích ảnh
Kho xăng dầu nhập khẩu của Petrolimex tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá cao những hiệu ứng tích cực; đồng thời, khuyến nghị, để tối ưu hóa hiệu quả của hệ thống chính quyền địa phương hai cấp, mong rằng Nhà nước sớm có những giải pháp đồng bộ và chiến lược. Đầu tiên và quan trọng nhất có lẽ là tiếp tục đẩy mạnh việc minh bạch hóa thông tin. Mọi quy hoạch, chính sách, thủ tục hành chính cần được công khai đầy đủ, dễ tiếp cận trên các cổng thông tin điện tử, giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu và đưa ra quyết định.

Thêm vào đó, cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ công. Dù tầng nấc quản lý đã giảm, nhưng nếu chất lượng cán bộ, công chức không được cải thiện, hoặc quy trình vẫn còn rườm rà, thì hiệu quả sẽ không đạt được như kỳ vọng. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về kỹ năng chuyên môn, thái độ phục vụ chuyên nghiệp là rất cần thiết. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nữa vào quản lý hành chính như Chính phủ điện tử, Dịch vụ công trực tuyến... sẽ là chìa khóa để giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp, tránh phiền hà và tăng cường tính minh bạch.

Bà Thái Thị Việt Trinh, Chuyên gia Phân tích Kinh tế, Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital cho biết, việc tái cấu trúc bộ máy hành chính và hướng tới một hệ thống quản lý tinh gọn có tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư của VinaCapital. Trong bối cảnh Việt Nam tập trung vào các động lực tăng trưởng nội địa giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, VinaCapital đang chọn lọc mở rộng đầu tư vào những lĩnh vực được kỳ vọng hưởng lợi lớn như hạ tầng, bất động sản, vật liệu xây dựng, logistics, năng lượng và ngân hàng. Ngoài ra, đầu tư hạ tầng tăng mạnh được cho là sẽ giúp củng cố niềm tin tiêu dùng và kích thích người dân mua sắm, qua đó hỗ trợ tăng trưởng GDP trong bối cảnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ giảm tốc trong năm nay.

VinaCapital cũng đang thực hiện các dự án thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, bao gồm hợp tác với các đối tác chiến lược để xây dựng các trung tâm dữ liệu. Với nguồn nhân lực chất lượng cao, lĩnh vực công nghệ phát triển nhanh và sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ, Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trong lĩnh vực Al toàn cầu. 

Bà Đỗ Thị Hoa, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo Coach 3S nhận định, sự ổn định pháp lý là 'xương sống' của môi trường đầu tư. Nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài, rất quan tâm đến việc liệu các quy định về đất đai, thuế, lao động, hay các cam kết đầu tư có được giữ vững trong dài hạn hay không. Dù bộ máy hành chính đã tinh gọn, nhưng nếu khung pháp lý vẫn còn những 'lỗ hổng' hoặc thay đổi đột ngột, nó sẽ làm suy giảm niềm tin và khiến họ ngần ngại rót vốn. Do đó, việc xây dựng và duy trì một hệ thống pháp luật ổn định, dễ dự đoán là giải pháp cốt lõi để phát huy tối đa hiệu quả từ cuộc cải cách hành chính này.

Ngoài những giải pháp nêu trên, không thể thiếu cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả định kỳ, dựa trên các chỉ số cụ thể như thời gian giải quyết thủ tục, mức độ hài lòng của doanh nghiệp, hay số lượng dự án đầu tư được thu hút. Việc này không chỉ giúp kịp thời điều chỉnh những bất cập mà còn tạo động lực cho các địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Có thể thấy, khi doanh nghiệp và nhà đầu tư cảm nhận được sự thay đổi tích cực, niềm tin sẽ được củng cố, từ đó tạo ra xung lực mạnh mẽ để thu hút thêm nhiều nguồn vốn, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Bài cuối: Hong Kong (Trung Quốc) - Bước chuyển mình ngoạn mục

Ngọc Quỳnh - Kim Anh (TTXVN)
Hiệu ứng lan tỏa sau sắp xếp đơn vị hành chính - Bài cuối: Hong Kong (Trung Quốc) - Bước chuyển mình ngoạn mục
Hiệu ứng lan tỏa sau sắp xếp đơn vị hành chính - Bài cuối: Hong Kong (Trung Quốc) - Bước chuyển mình ngoạn mục

Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày nay được biết đến là một trong những là trung tâm tài chính, vận tải biển và thương mại quốc tế, đồng thời là một trong những nền kinh tế năng động trên thế giới. Tuy nhiên, cách đây hơn 150 năm, Hong Kong chỉ là một làng chài nhỏ bé, sự chuyển mình ngoạn mục của Hong Kong là một câu chuyện đầy cảm hứng nhờ chính sách kinh tế mở và sự thích nghi linh hoạt trước những biến động lịch sử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN