Tại Hội thảo về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 7/3, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, chiến lược phát triển nhà ở, trong đó có chung cư, đã và đang đáp ứng được nhu cầu cao về nơi ở cho người dân. Việc xây dựng nhà chung cư đang phát triển nhanh, nhiều khu đô thị hiện đại mọc lên như: Khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính, Khu đô thị mới Ciputra, Khu đô thị mới Linh Đàm, Royal City, Times City, Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng… Cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư, tập trung chủ yếu tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, tại nhiều chung cư đang xảy ra tình trạng tranh chấp, khiếu nại như: Tranh chấp về phần diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng; kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; kinh phí quản lý, vận hành; chất lượng công trình...
Bên cạnh đó, còn xảy ra tranh chấp khác liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong giai đoạn quản lý, vận hành nhà chung cư, như: Chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định (không bàn giao phần diện tích sở hữu chung, hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị theo quy định; không mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của Luật phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm…); Ban quản trị không đủ năng lực hoạt động, không thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định, có dấu hiệu không minh bạch, vụ lợi trong việc thu chi tài chính; đơn vị quản lý vận hành không có chức năng, không đủ điều kiện để quản lý, vận hành chung cư theo quy định, không thực hiện đúng các cam kết theo hợp đồng dịch vụ đã ký, không công khai tài chính theo quy định…
Theo báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Xây dựng, năm 2018 cả nước có 108 dự án chung cư xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân với chủ đầu tư có liên quan đến các hoạt động quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, chủ yếu xảy ra tại các dự án tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Đối với các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện xảy ra giữa chủ đầu tư và cư dân, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, bên cạnh việc người dân khi mua nhà ở đã không xem xét hết các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ đã ký, chưa nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật liên quan, thì vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt; vai trò của chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư và ý thức, trách nhiệm của các chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ ở một số nhà chung cư chưa đáp ứng mô hình quản lý, sử dụng nhà chung cư…
Giải quyết những bất cập này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 9/10/2018 về việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, với mục tiêu bảo đảm quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư được an toàn, hạn chế các tranh chấp, khiếu kiện, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư và chủ sở hữu, chủ sử dụng chung cư; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về phần diện tích thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng có liên quan; đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, các quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành…
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tập trung rà soát việc sử dụng đất xây dựng chung cư đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát việc chấp hành giấy phép xây dựng các dự án chung cư liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân mua nhà, nhằm giải quyết dứt điểm những tranh chấp, khiếu kiện trong thời gian vừa qua.