Giải quyết việc thiếu đồng bộ quy hoạch trường học ở các khu đô thị

Đầu năm học mới 2018, không chỉ có chị Đặng Thị Hương – Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội mà nhiều ông bố, bà mẹ khác có con em học ở Trường tiểu học Cao Bá Quát (Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm) đều ngỡ ngàng vì 202 học sinh vừa nhập học lớp 1 bị liệt vào danh sách Trường tiểu học Trung Thành (Gia Lâm).

Lý do, Khu đô thị Đặng Xá được xây dựng trên hai xã Đặng Xá và Cổ Bi. Thế nên con em ở xã nào thì phải về trường của xã đó để học.

Chú thích ảnh
Phụ huynh tụ tập trước cổng trường Tiểu học Cao Bá Quát để phản đối việc phân tuyến. Ảnh: dantri.com.vn

Chị Đặng Thị Hương bức xúc cho biết, cùng ở một khu đô thị mà họ có hộ khẩu thường trú ở xã Đặng Xá thì con em được đi học. Còn con em bên này, chỉ vướng hai chữ Cổ Bi mà không được vào cùng một ngôi trường. Điều khiến phụ huynh lo lắng là Trường tiểu học Trung Thành hiện đang trong quá trình xây dựng dở dang. Rõ ràng, không có trường cũng khóc, mà có trường cũng khóc! Đây cũng là một trong số những câu chuyện ghi được liên quan đến việc bất cập, thiếu và quá tải trường học tại các khu đô thị.

Hà Nội hiện có khoảng 573 dự án khu đô thị - nhà ở mới nhưng tình trạng thiếu trường, nhất là trường công lập đang diễn ra phổ biến. Tình trạng này khiến hệ thống trường học có sẵn hoặc trường ở khu vực lân cận đang phải gánh thêm sự quá tải này. Có những khu đô thị mới, chỉ cần vài tòa chung cư mọc lên thì lượng người dân đến ở đã tương đương với dân số của cả một phường.

Theo Kiến trúc sư - Tiến sĩ Trần Thanh Bình - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học, việc thiếu trường học trong khu đô thị gần như đã được dự báo trước. Ngay khi chuẩn bị quy hoạch mở rộng Thủ đô, các chuyên gia cũng đã cảnh báo về vấn đề này. Bấy lâu nay, khi lập quy hoạch, mạng lưới giáo dục kể cả tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn hình dung ra ý thức hệ theo kiểu tiểu khu như Kim Liên, Trung Tự trước kia và bám theo tiêu chí như bán kính, số dân…

Thế nhưng, các khu đô thị mới phát triển hiện nay là khu đô thị nén với lượng dân số tăng gấp nhiều lần so với quy mô các khu tập thể cũ trước đây thì hạ tầng kỹ thuật, xã hội bao gồm cả trường học không thể đáp ứng được đủ nhu cầu.

Trên thực tế, vòng xoáy phát triển đô thị - gia tăng dân số đột biến là nguyên nhân khiến các địa phương lúng túng từ quy hoạch, bố trí quỹ đất đến nguồn lực đầu tư xây dựng trường học. Hiện nay thực trạng này vẫn đang tồn tại và cách giải quyết là đang phải chạy theo “lấp lỗ hổng”.

Ở góc nhìn khác, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh phân tích, khi xây dựng các khu đô thị đều có tính toán căn hộ, số dân và cả quy chuẩn, tiêu chuẩn của trường học, sân chơi, giao thông nội bộ… Thế nhưng, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản đã lờ đi những tiêu chuẩn, quy chuẩn của trường học mà tập trung vào diện tích nhà ở. Có những khu, trên thiết kế đã vẽ ra hẳn 1 trường học trong khu đô thị rồi nhưng sau đó lại mập mờ chuyện giao đất xây dựng trường công lập hay dân lập.

Tại một khu đô thị ở quận Cầu Giấy, dù có trường học nhưng dân cư ở đó không đủ tiền cho con vào học. Người dân phải đưa con vào các trường công lập ở khu đô thị cũ học chung. Do đó, khi phê duyệt đầu tư khu đô thị mới cũng cần làm rõ việc hình thành trường công lập hay trường tư để phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng.

Kiến trúc sư - Tiến sỹ Trần Thanh Bình cho rằng, trước hết, mỗi dự án phải đáp ứng yêu cầu trường công lập, tức là đáp ứng nhu cầu học và quyền được học của các cháu.

Đơn cử như theo quy hoạch, số dân ở khu đô thị phải khống chế trong khoảng dao động nhất định để phát triển. Vấn đề đặt ra là khi thực hiện các khu đô thị đó phải đánh giá một cách nghiêm túc về hạ tầng dân số. Một thành phố thông minh phải tính đến các yếu tố đó.

Có nhiều ý kiến cho rằng, các chủ đầu tư đã không tuân thủ theo quy hoạch được định hướng. Còn theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, quy hoạch cần phải được coi là một tài liệu để thực thi nghiêm túc. Trong quy hoạch mạng lưới trường học từ năm 2003 - 2010, định hướng đến năm 2020 không thấy rõ nét, minh bạch, được xây dựng trên một hệ thống tài liệu thiếu tin cậy.

“Đơn cử, chúng tôi mất hai năm để nghiên cứu quy hoạch trường học của quận Cầu Giấy trên thực địa như thế nào, nhu cầu ra sao. Cùng với hệ thống chính trị của quận mới thấy rằng, dựa trên cơ sở dân số là 140 nghìn người nhưng chưa hết nửa giai đoạn đã phát triển đến 200 nghìn người. Có những ô đất nhiều công ty đã “cắm” ở đó rồi… Như vậy, bản đồ thì cũ kỹ, công thức thì sai lầm, thực hiện ra một kết quả không mong muốn. Tuy nhiên quận Cầu Giấy cũng đã kiên quyết thay đổi dứt điểm tình trạng này”, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh dẫn chứng.

Với trách nhiệm của một chủ thể được giao đất để phát triển khu đô thị, khi giao đất, chủ đầu tư phải có nhiệm vụ rất rõ ràng. Khu đô thị phải có thiết chế đáp ứng cho đối tượng nào, số lượng là bao nhiêu… Khi giao đất thực hiện khu đô thị nhưng ngầm hiểu đó chỉ là dự án bất động sản thì nhiệm vụ đảm bảo đầy đủ hạ tầng xã hội; trong đó có trường học cũng khó được thực hiện. Lúc đó, quy trách nhiệm cụ thể cũng rất khó khăn vì nó nằm trong nội dung giao đất giữa người giao và người nhận. Vì vậy, phải xác định rõ ràng vấn đề này ngay từ đầu - các chuyên gia cảnh báo.

Cách làm phổ biến hiện nay vẫn là khi xác định xây dựng một khu đô thị sẽ yêu cầu dành ra quỹ đất nhất định theo tỷ lệ để xây trường học. Thế nhưng quy mô của trường học đó ra sao hay chỉ mới yêu cầu dành một lô đất nhất định như thế trên bản đồ để thực hiện trong tương lai.

Vấn đề này, rõ ràng các Sở Quy hoạch Kiến trúc không thể chịu trách nhiệm một mình. Khi phê duyệt quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra lại các thông số xem chuẩn chưa và Sở Quy hoạch Kiến trúc chỉ là đơn vị giám sát quy hoạch đó.

Còn để lập kế hoạch thì cơ quan chức năng về giáo dục cũng đóng vai trò rất quan trọng. Đơn cử như có một số năm, học sinh chuyển cấp tăng vọt do những năm trước đó đẹp, nhiều người chọn để sinh con. Vì vậy, rất cần dự báo trách nhiệm của các bên liên quan và cần tính đồng bộ.

Để giải quyết tận gốc những bất cập về thiếu trường học trong khu đô thị cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, hợp tác của nhiều bên từ khi lên ý tưởng, lập quy hoạch, điều tra khảo sát… cho đến khi hình thành vóc dáng của những ngôi trường.

Thu Hằng (TTXVN)
Cần sớm giải quyết những bất cập sau sáp nhập các trường học ở Quảng Trị
Cần sớm giải quyết những bất cập sau sáp nhập các trường học ở Quảng Trị

Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII, sau khi sáp nhập các trường học, tỉnh Quảng Trị đã giảm 75 trường, hiện còn 422 trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN