Lựa chọn môn học - tương lai của học sinh

Qua 3 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học phổ thông, có thể thấy, việc lựa chọn các môn học tự chọn, bên cạnh những môn học bắt buộc có ý nghĩa lớn, liên quan trực tiếp đến lộ trình học tập, việc xét tuyển đại học và tương lai của mỗi học sinh. Thực tế đó được các trường trung học phổ thông của Hà Nội nắm bắt và đây cũng là nội dung chính, xuyên suốt tại các buổi tư vấn, gặp gỡ, hướng dẫn phụ huynh học sinh lựa chọn môn học, tổ hợp môn học trước thềm lớp 10 năm học mới 2025-2026.

Chú thích ảnh
Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (phường Ba Đình) Lê Ngọc Hoa giới thiệu các mô hình lớp học đang được triển khai dành cho khối 10. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN

Ổn định lộ trình học tập

Năm học 2025-2026, với 720 học sinh cho 16 lớp 10, Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (phường Ba Đình) là một trong những ngôi trường công lập có chỉ tiêu đầu vào lớn của thành phố Hà Nội. Đây cũng là ngôi trường nhiều năm liền trong top đầu có điểm trúng tuyển cao nhất thành phố. Năm nay, thí sinh đạt 25,25 điểm, tương đương với 8,42 điểm/môn trúng tuyển vào trường.

Nhà giáo Lê Ngọc Hoa, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng cho biết, với tầm nhìn xây dựng trường Phan Đình Phùng trở thành trường top đầu trong hệ thống giáo dục Thủ đô và cả nước, nhà trường đặc biệt chú trọng giáo dục học sinh phát triển toàn diện về kiến thức và kỹ năng. Trong đó, việc tư vấn, hướng dẫn học sinh lớp 10 lựa chọn, quyết định môn học tự chọn được Ban Giám hiệu nhà trường đặt lên hàng đầu.

“Bắt đầu bước vào cấp trung học phổ thông, học sinh lớp 10 cần được định hướng sớm về nghề nghiệp trong tương lai. Vì vậy, việc lựa chọn tổ hợp môn học có ý nghĩa quan trọng đối với các em trong xét tuyển đại học sau này và trước mắt là lộ trình học tập ổn định trong suốt 3 năm học”, nhà giáo Lê Ngọc Hoa chia sẻ.

Cũng với mong muốn học sinh có lộ trình học tập ổn định, vững chắc ngay từ năm học đầu tiên của cấp trung học phổ thông, Ban Giám hiệu Trường Trung học phổ thông Đoàn Kết - Hai Bà Trưng (phường Bạch Mai) đã tổ chức tư vấn lựa chọn tổ hợp môn học từ sớm và kỹ lưỡng cho phụ huynh, học sinh.

Chú thích ảnh
Cán bộ, giáo viên trường THPT Phan Đình Phùng (phường Ba Đình) trao đổi, giải đáp những thắc mắc của phụ huynh và học sinh về việc lựa chọn tổ hợp môn học, định hướng ngành nghề và chương trình học tập. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN

Nhà giáo Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đoàn Kết - Hai Bà Trưng cho biết, năm học 2025-2026, nhà trường tuyển 675 học sinh cho 15 lớp. Các lớp được sắp xếp theo hai khối Tự nhiên và Xã hội với những môn lựa chọn đa dạng cùng chuyên đề theo định hướng. Tại buổi gặp gỡ giữa Ban Giám hiệu và các phụ huynh, học sinh vừa trúng tuyển vào lớp 10, những thông tin quan trọng về nhà trường, chương trình giáo dục, định hướng tổ hợp môn học… được nêu rõ, chi tiết.

“Từ kinh nghiệm của 3 năm học vừa qua, nhà trường luôn xác định sẽ tạo điều kiện tối đa cho học sinh trong việc lựa chọn môn học, lựa chọn tổ hợp, bởi sự lựa chọn kỹ lưỡng không chỉ đảm bảo ổn định về lộ trình học tập mà còn giúp các em phát huy năng lực ở môn học sở trường”, nhà giáo Lê Việt Dương chia sẻ.

Gắn kết với tương lai

Có thể thấy, mặc dù Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc trung học phổ thông đã triển khai đến năm thứ 4 nhưng chỉ có các nhà trường và giáo viên là thấy quen, còn đối với học sinh vào lớp 10 vẫn đầy mới mẻ, bỡ ngỡ.

Nhà giáo Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đoàn Kết - Hai Bà Trưng cho rằng, việc xây dựng tổ hợp ở các nhà trường dựa trên nhiều yếu tố, trong đó, có sự phù hợp với đội ngũ của nhà trường, song quan trọng hơn phải đặt lợi ích của học sinh lên trên hết, gắn kết được tổ hợp học với các khối thi theo các trường đại học của các em sau này.

“Chúng tôi vừa xây dựng vừa tư vấn cho phụ huynh và học sinh lựa chọn các tổ hợp sao cho các em sẽ có cơ hội thi được nhiều khối tuyển sinh, đồng nghĩa thêm nhiều cánh cửa cho tương lai của mình. Điều này đặc biệt quan trọng và chúng tôi luôn tập trung khi tư vấn cho các em”, nhà giáo Lê Việt Dương chia sẻ.

Việc xây dựng các tổ hợp môn học đảm bảo sự cân bằng trong giáo dục cũng được các nhà trường chú trọng, bởi nếu học sinh chỉ chăm chăm chọn môn học thuộc cho dễ học mà bỏ qua các môn tự nhiên sẽ bị hạn chế cơ hội việc làm và đi ngược với xu hướng phát triển xã hội sau này. Do đó, các trường đều nghiên cứu, xây dựng tổ hợp có đủ môn tự nhiên và xã hội, từ đó, phối hợp với phụ huynh để tư vấn, định hướng cho học sinh.

Chú thích ảnh
Việc lựa chọn tổ hợp môn học cho học sinh là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN

Em Lê Linh An vừa trúng tuyển vào Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng cho biết, em có thế mạnh về các môn Xã hội và sẽ chọn tổ hợp D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) cho lộ trình học tập của mình cũng như dùng tổ hợp này để xét tuyển đại học. Tuy nhiên, để mở rộng cơ hội cho tương lai, em chọn đăng ký học lớp Xã hội 1 với các môn học tự chọn là Vật lý, Địa lý, Công nghệ và Giáo dục Kinh tế Pháp luật.

“Với các môn tự chọn đó, em sẽ có thêm tổ hợp A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), D10 (Toán, Địa lý, Tiếng Anh)… Điều này đồng nghĩa với việc em sẽ có thêm nhiều cơ hội xét tuyển ở các trường đại học khác nhau”, em Lê Linh An chia sẻ.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngoài các môn học bắt buộc, học sinh lớp 10 được tự chọn một tổ hợp môn do nhà trường xây dựng. Trong đó, 8 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Giáo dục địa phương; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Bên cạnh các môn học bắt buộc, học sinh được lựa chọn 4 trong 9 môn học gồm: Địa lý; Giáo dục Kinh tế và Pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Việc lựa chọn các môn học giúp học sinh phát triển kỹ năng, kiến thức cần thiết và mở ra cơ hội nghề nghiệp sau này.

Nguyễn Cúc (TTXVN)
Giải quyết hệ lụy thi cử bằng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông
Giải quyết hệ lụy thi cử bằng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông

Bàn đến các vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, đại biểu Quốc hội mong ngành giáo dục chấm dứt "kỳ thi kinh hoàng" của hàng triệu học sinh và phụ huynh mỗi dịp hè, kỳ thi tuyển sinh vào THPT.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN