Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Vụ xăng giả, phải tìm ra khâu 'có vấn đề' trong chuỗi mắt xích quản lý nhà nước

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, trong vụ việc này, hiện tại, khi cơ quan điều tra chưa có báo cáo thì chưa biết khâu nào trong chuỗi mắt xích quản lý nhà nước "có vấn đề", vì liên quan đến các ngành tài nguyên - môi trường, công thương, khoa học - công nghệ, thuế, công an... Sau khi vụ án kết thúc, cần xem xét để cải tiến, chỉnh sửa khâu còn lỏng lẻo đó.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng nhận định, vụ pha chế, buôn bán xăng giả diễn ra tại Sóc Trăng và nhiều tỉnh thành là rất phức tạp.

"Nếu cơ quan quản lý ở các cấp, các địa phương đã kiểm tra định kỳ và đột xuất mà không phát hiện ra thì điều đó cho thấy thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Sở Công Thương địa phương, quản lý thị trường, cơ quan thuế và công an đều có phần trách nhiệm", ông Nguyễn Đức Kiên nhận định.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Đức Kiên trả lời phỏng vấn của báo giới.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, trong vụ việc này, hiện tại, khi cơ quan điều tra chưa có báo cáo thì chưa biết khâu nào trong chuỗi mắt xích quản lý nhà nước "có vấn đề" vì liên quan đến các ngành tài nguyên - môi trường, công thương, khoa học - công nghệ, thuế, công an... Sau khi vụ án kết thúc, cần xem xét để cải tiến, chỉnh sửa khâu còn lỏng lẻo đó.

"Để bắt quả tang trực tiếp là rất khó. Bây giờ bắt được rồi thì chờ xem điều tra hổng khâu nào. Đây là sự việc về kinh tế thì phải có các giải pháp đồng bộ về kinh tế, còn các giải pháp hành chính chỉ để hỗ trợ thôi", ông Nguyễn Đức Kiên cho biết và đề nghị dư luận thông cảm với những khó khăn mà cơ quan quản lý gặp phải.

Nhìn nhận về trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ việc này, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết: Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã nhận trách nhiệm quản lý nhà nước, tức là công tác hậu kiểm, quản lý có vấn đề nên không phát hiện ra được.

"Với tư cách cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương thì tỉnh đã nhận trách nhiệm. Ta phải xem lại, lắng nghe ý kiến cơ sở xem là việc tạo điều kiện hậu kiểm như hiện nay đã phù hợp chưa, có cần làm gì để nâng cao chất lượng", ông Nguyễn Đức Kiên nói.

Còn đối với Bộ Công Thương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, cần xem quy định nhập các phụ gia nằm ở nghị định, thông tư nào. Việc nhập phụ gia về sản xuất theo luật thì không phải mặt hàng cấm, nên doanh nghiệp (DN) có yêu cầu nhập và nộp thuế đầy đủ là có quyền nhập. Ở đây, trách nhiệm của DN là chủ yếu, nếu cố tình nhập về mà không làm theo luật là tình tiết tăng nặng khi xem xét tội danh.

"Người có chuyên môn sẽ dự báo được họ nhập phụ gia đó về làm được cái gì. Còn chúng ta, khâu hậu kiểm họ làm gì, bán cho ai..., thì đang yếu vì chưa có bộ phận chuyên quản lý mặt hàng hóa chất", ông Nguyễn Đức Kiên nhận định.

Đánh giá về vai trò của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trong vụ việc này, theo ông Nguyễn Đức Kiên, cần căn cứ vào Pháp lệnh QLTT đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua năm 2018, giúp tổ chức lực lượng theo chiều dọc từ TƯ xuống địa phương, tránh "cắt khúc".

Ông Nguyễn Đức Kiên phân tích: Theo Pháp lệnh, quản lý thị trường không phải có toàn quyền vào khám xét DN mà phải có chứng cứ; phải phối hợp giữa bên thuế, cơ quan quản lý DN để nắm số hàng vào, hàng ra, phiếu nộp, phiếu xuất, có gì bất thường không. Khi Sở Khoa học - Công nghệ đi quản lý chất lượng xăng thì cũng phải có kế hoạch công khai.

Trong khi đó, bên hành lang Quốc hội, bà Tô Ái Vang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, từ chối trả lời phóng viên báo Tin tức về vụ việc này do "đang ở ngoài này, không nắm rõ tình hình trong kia".

Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 11/6, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, với trách nhiệm và chức năng quản lý mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương đang yêu cầu rà soát lại những vướng mắc trong vấn đề pháp lý, quản lý tại địa phương để xem trách nhiệm cụ thể, từ đó siết chặt, đảm bảo hiệu quả quản lý mặt hàng này.

Chiều 11/6, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức họp báo, cung cấp thông tin liên quan đến việc Công ty TNHH Mỹ Hưng bị khám xét và “đại gia xăng dầu” Trịnh Sướng bị bắt.

Tại buổi họp báo, ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thừa nhận: “Đây là thiếu sót, yếu kém trong công tác quản lý của tỉnh. Chúng tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm thiếu sót này trước Chính phủ và bà con nhân dân Sóc Trăng. Chúng tôi xem đây là bài học lớn trong công tác quản lý, sắp tới tỉnh sẽ chấn chỉnh và có những giải pháp điều hành, quản lý chặt chẽ”.

Công ty TNHH MTV Mỹ Hưng của ông Trịnh Sướng là nhà phân phối xăng dầu lớn cho nhiều đại lý ở Đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên... Sau khi ông Trịnh Sướng bị bắt tạm giam, nhiều cây xăng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng do nguồn xăng dầu của ông Trịnh Sướng cung cấp đã tháo dỡ bảng hiệu xăng dầu liên quan đến công ty này. Trong khi đó, một số cửa hàng xăng dầu của ông Trịnh Sướng cũng ngưng buôn bán.

Riêng tại Sóc Trăng, ngoài các cửa hàng thuộc công ty của mình, ông Trịnh Sướng còn nhận phân phối xăng dầu cho trên 80 cửa hàng.

 

Bài, ảnh: Hoàng Dương/Báo Tin tức
Tổng kiểm tra các cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc
Tổng kiểm tra các cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) yêu cầu cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu, nhằm ổn định trật tự trong kinh doanh xăng dầu, chống thất thu thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN