Hội thảo nhằm tăng cường trao đổi thông tin, tiếp thu những bài học kinh nghiệm và ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013, thông qua thảo luận sâu về các chủ đề như: Tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; bồi thường, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Cần nêu rõ “tiêu chí lợi nhuận”
Tại Hội thảo, nhiều vấn đề trong Luật Đất đai đã được các đại biểu đề cập như: Bất cập trong xác định tiêu chí thu hồi đất; thiệt hại và bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi; khái niệm bồi thường, hỗ trợ; giải quyết tái định cư…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trung Hiền, Trưởng Khoa Luật, Đại học Cần Thơ, một trong những bất cập của Luật Đất đai năm 2013 là vấn đề thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Dự thảo hiện nay tuy có định nghĩa khái niệm “dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” nhưng chưa nêu rõ “tiêu chí lợi nhuận” của những dự án này. Cụ thể, các cụm từ như “dự án nhà ở thương mại”, “dự án chỉnh trang đô thị”, “khu dân cư nông thông mới”… còn có nhiều cách hiểu chưa thống nhất, dễ bị lạm dụng, vượt rào dẫn đến một số địa phương thu hồi đất tràn lan, khó kiểm soát.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trung Hiền cho rằng, xác định được “tiêu chí lợi nhuận” là một trong những điều kiện tiên quyết để quyết định ranh giới, phạm vi thu hồi đất bắt buộc. Các dự án thương mại, dịch vụ về bản chất không thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội. Nhà nước không nên đứng ra thu hồi đất cho các dự án này mà cần thực hiện thông qua cơ chế thỏa thuận với người sử dụng đất.
Quy định “chỉ thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất” chưa xác định rõ là sử dụng vào mục đích gì sau khi đấu giá hay đấu thầu. “Việc bố trí đất thông qua đấu giá hay đấu thầu cho các dự án thương mại, dịch vụ về bản chất không thuộc trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà cần được thực hiện thông qua cơ chế thỏa thuận với người sử dụng đất. Vì vậy, Nhà nước không nên đứng ra thu hồi đất cho các dự án này”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trung Hiền nói.
Làm rõ khái niệm “bồi thường” hay “hỗ trợ”
Cho rằng pháp luật hiện hành còn chưa rạch ròi giữa khái niệm “bồi thường” và “hỗ trợ” khi nhiều trường hợp dùng cụm từ “hỗ trợ” nhưng mang bản chất “bồi thường”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trung Hiền đề xuất, tất cả các thiệt hại do hoạt động thu hồi đất gây ra nên quy về một mối là áp dụng quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Trong khi đó, “hỗ trợ” chỉ nên áp dụng trong trường hợp “không đủ tính pháp lý” để được xét bồi thường, như xây dựng nhà trên bờ kè, không có giấy tờ đất, nhà…; hoặc áp dụng đối với trường hợp tổ chức kinh tế được giao đất vừa thu hồi muốn hỗ trợ thêm việc làm hay chi phí bảo hiểm y tế cho người có đất bị thu hồi.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn cũng đề xuất sửa đổi cụm từ “hỗ trợ” thành cụm từ “bồi thường” khi Nhà nước thu hồi đất. Ông Thịnh nêu băn khoăn: "Các nội dung mô tả trong cụm từ “hỗ trợ” nhưng mang bản chất “bồi thường” như thiệt hại từ sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế bị ngừng hoạt động khi Nhà nước thu hồi đất sẽ được bồi thường hay hỗ trợ? Theo Luật Đất đai 2013 thì được bồi thường nhưng theo Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ; tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì chỉ được xem xét hỗ trợ… cần nghiên cứu kỹ nội dung này. Nếu xác định hoạt động thu hồi đất làm mất nghề nông nghiệp hay xáo trộn sản xuất và đời sống thì nên quy định bồi thường do mất việc làm, bồi thường để ổn định đời sống, sản xuất”. Ông Thịnh cho biết thêm, ở các quốc gia tiên tiến, khi Nhà nước trưng mua đất thì có một chế định duy nhất gọi là bồi thường, hoàn toàn không có các quy định về hỗ trợ.
Bên cạnh đó, cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trung Hiền, bất cập trong bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là do không đứng trên quan điểm: “Xác định thiệt hại” trước khi giải quyết “bồi thường thiệt hại”. Nếu Luật Đất đai 2003 có quy định khái niệm “bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất” thì Luật Đất đai 2013 không còn quy định này. Dự thảo lần này cũng không có khái niệm “bồi thường về tài sản khi Nhà nước thu hồi đất”.
Mặc dù đối tượng thu hồi là đất nhưng thiệt hại mà người dân gánh chịu không chỉ bao hàm về quyền sử dụng đất bị bắt buộc dịch chuyển mà còn rất nhiều tài sản khác gắn liền hoặc liên quan đến đất bị thiệt hại. Việc thiếu quy định này thể hiện các nhà nghiên cứu luật chưa đứng từ góc độ người bị thiệt hại để xác định các thiệt hại mà chỉ nhìn ở góc độ người đi thu hồi đất và mong muốn sớm đạt được mục đích của chủ thể đi thu hồi. Điều này dẫn đến hệ lụy chưa xác định đúng, đủ những thiệt hại người dân có đất bị thu hồi gánh chịu.
“Dự thảo chỉ quy định chỉ vật nuôi là thủy sản mới được bồi thường, trong khi thực tế người dân nuôi rất nhiều loại khác như gia súc, gia cầm… Điều này vô tình làm hạn chế việc bồi thường, dẫn đến có nhiều thiệt hại không được bồi thường hoặc chỉ được hỗ trợ qua loa. Ngoài ra, còn nhiều thiệt hại gián tiếp khác chưa được xác định và bồi thường công bằng, tương xứng”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trung Hiền nêu quan điểm.
Đề xuất tăng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp
Tại Hội thảo, ông Võ Minh Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ cho rằng, quy định về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp không quá 50 năm chưa tạo được tâm lý an toàn để khuyến khích nông hộ tích tụ đất đai hiệu quả, bởi tiềm lực kinh tế hộ còn yếu, việc tích tụ và đầu tư được thực hiện từng bước và qua nhiều thế hệ.
Ông Võ Minh Cảnh đề xuất, cần tăng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp để người nông dân yên tâm hơn trong đầu tư sản xuất; đồng thời, quy định biện pháp xử lý đối với các trường hợp bỏ hoang, không sản xuất trên đất nông nghiệp để đảm bảo việc khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp…
Bên cạnh đó, Tiến sỹ Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV cho rằng, chính sách về đất đai hiện hành vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng. Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất đối với đất nông nghiệp được triển khai nhiều năm nhưng tình trạng ruộng bỏ hoang, không canh tác gây lãng phí nguồn lực, trong khi nhiều chủ đầu tư không thuê được đất để đầu tư, cho thấy cơ chế khuyến khích tài chính đối với đất nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả.