Việc xây dựng các dự án thủy điện đang nổi lên nhiều vấn đề khiến dư luận bức xúc bởi ảnh hưởng trực tiếp của nó tới môi trường, đời sống, sản xuất của người dân, nhất là tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Vẻ (ảnh), Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình về vấn đề này.
Thưa ông, các chuyên gia kinh tế cho rằng thủy điện nhỏ đang phát triển quá nhiều, ông có nhận xét gì về ý kiến này?
Đúng là trong thời gian gần đây, việc phát triển thủy điện quá ồ ạt dẫn đến tình trạng quá nhiều thủy điện nhỏ. Từ đó cũng dẫn tới việc chất lượng công trình một số thủy điện không đảm bảo, ô nhiễm môi trường, không theo quy hoạch chung.
Vì vậy, theo tôi cần rà soát việc xây dựng các dự án thủy điện nhỏ, các cơ quan cần nâng cao trách nhiệm trong công tác quy hoạch thủy điện, không nên để phát triển dự án thủy điện nhỏ tràn lan, ảnh hưởng cả về kinh tế và xã hội. Cần rút kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, không chỉ về thủy điện mà các ngành khác cũng vậy. Các bộ, ngành phải có trách nhiệm tính toán kỹ trong việc quy hoạch trước khi thực hiện dự án. Việc dừng một số dự án thủy điện, không triển khai nữa là vấn đề không mong muốn. Nhưng để phát triển tràn lan thì không được, việc dừng những dự án thủy điện nhỏ ít nhiều đã gây khó khăn cho doanh nghiệp mà Nhà nước cũng tốn kém.
Tính đến tháng 9/2013 cả nước đã loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện (DATĐ) bậc thang và 418 DATĐ nhỏ do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch. Đồng thời, không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện. Tạm dừng, chỉ đầu tư xây dựng sau năm 2015 nếu đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường - xã hội, điều kiện thực hiện thuận lợi... đối với 4 DATĐ bậc thang và 132 DATĐ nhỏ. Về DATĐ Đồng Nai 6 và 6A: Sau khi có Báo cáo số 142/BC-BTNMT ngày 30/8/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại Văn bản số 7958/VPCP-KTN ngày 23/9/2013 về hai dự án này. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã loại hai DATĐ này khỏi qui hoạch. |
Nhiều đại biểu cũng đề nghị trước khi làm thủy điện nhỏ cần nghiên cứu kỹ công tác quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, chiến lược đầu tư… Trong công tác quy hoạch cần có tầm nhìn lâu dài, kể cả yếu tố tác động đến biến đổi khí hậu…
Chính phủ đã loại khỏi quy hoạch hơn 400 dự án thủy điện nhỏ, liệu đây có phải là lỗ hổng trong quy hoạch thủy điện không, thưa ông?
Đây là hậu quả của một thời kỳ rộ lên phong trào làm thủy điện. Thời điểm đó, sản xuất kinh doanh phát triển mạnh, nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh rất thiếu, trong khi đó nguy cơ thiếu điện luôn tiềm ẩn. Mặt khác, các doanh nghiệp hy vọng đầu tư vào thủy điện sẽ đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, công tác quy hoạch khi đó làm chưa đầy đủ, số doanh nghiệp tham gia làm thủy điện có chiều hướng gia tăng. Có nhiều công trình đạt được mục đích đề ra nhưng cũng có nhiều công trình không đạt chất lượng.
Bây giờ, yếu tố an toàn, đảm bảo chất lượng và bảo đảm môi trường đối với các công trình thủy điện phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế, việc rà soát thủy điện để đảm bảo các yếu tố theo quy định được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Những dự án không bảo đảm an toàn, không phù hợp theo yêu cầu quy định thì loại bỏ khỏi quy hoạch để tập trung cho những dự án trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Công tác tái định cư cho người dân vùng thủy điện đã được thực hiện thế nào, thưa ông?
Ở những vùng xây thủy điện, người dân tình nguyện di dời đến nơi ở mới nhằm phục vụ công trình phát triển kinh tế - xã hội là sự hy sinh lớn của đồng bào. Vì thế, chủ trương của Đảng và Nhà nước là đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư cho những hộ dân phải di dời. Tuy nhiên, qua việc giám sát của Quốc hội ở những nơi tái định cư thủy điện thì có những vùng chúng ta đã làm tương đối tốt, bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh doanh, ổn định chỗ ở. Nhưng có những vùng vẫn còn bất cập, chưa hoàn thiện. Người dân mong muốn Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, hỗ trợ cho những gia đình tái định cư, những người đã hy sinh ruộng, đất… để phát triển thủy điện, làm sao để người dân yên tâm, ổn định về chỗ ở, phát triển sản xuất. Làm sao để người dân có điều kiện sống phải tốt hơn nơi ở cũ như tiêu chí đã đề ra.
Xin cảm ơn ông!
Viết Tôn (thực hiện)