Chính sách nhiều nhưng chưa đủ mạnh
Mở đầu phiên chất vấn, trả lời tranh luận của đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) về cơ chế chính sách thu hút đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết hệ thống chính sách về lĩnh vực này có ở cả Trung ương và địa phương. Trong đó ở Trung ương bao gồm các luật, văn bản quy định khác nhau. Trên cơ sở quy định Trung ương ban hành, địa phương sẽ cụ thể hóa để phù hợp với điều kiện của từng nơi.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhất trí có hệ thống chính sách thống nhất từ Trung ương và chính sách linh hoạt ở địa phương. “Chính sách dành cho DTTS chưa đủ mạnh nên mong địa phương bám sát chính sách của Trung ương để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.
Trao đổi với phần tranh luận của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết về bố trí vốn tăng cường đầu tư; một số hệ thống văn bản chưa phù hợp với quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Nghị quyết 120 của Quốc hội đặt mục tiêu tập trung các nguồn lực để ưu tiên cho các địa phương và trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thiết kế 10 dự án và tiến hành phân cấp nguồn lực, thẩm quyền điều hành cho địa phương.
Tại Trung ương chỉ tập trung vào một số nhiệm vụ, như ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát, hướng dẫn; đồng thời đồng thời xử lý những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, phù hợp với chủ trương trong nghị quyết của Quốc hội.
Về nguồn lực đầu tư, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, Quốc hội đã phê duyệt bố trí 104.000 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi đại biểu tại sao vốn sự nghiệp cao hơn vốn đầu tư công, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, với cơ cấu 54 nghìn tỷ đồng vốn sự nghiệp chủ yếu tập trung giải quyết cho những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân và những chính sách này là những chính sách của giai đoạn 2016 - 2020 còn hiệu lực thi hành và được tích hợp vào chương trình, nguồn vốn đối tượng hỗ trợ là đối tượng của người dân nên không thể sử dụng nguồn vốn đầu tư theo Luật Đầu tư công mà phải sử dụng nguồn vốn sự nghiệp. Chính vì vậy cơ cấu vốn vốn sự nghiệp nhiều hơn so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Cũng theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, cơ cấu vốn sự nghiệp nhiều hơn vốn ngân sách do đây là tính đặc thù của chương trình mục tiêu quốc gia này. Về hệ thống văn bản, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết trong quá trình ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn của các bộ ngành có một số vấn đề nảy sinh, ví dụ hệ thống văn bản quy định về tiêu chuẩn định mức còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa thống nhất với nhau. Ủy ban Dân tộc đã tiếp thu, tổng hợp và Chính phủ đã giao rà soát các văn bản có chồng chéo, hiện đã rà soát xong các văn bản này.
“Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đang dần hoàn thiện nhưng dù chính sách nhiều đến đâu, nguồn lực nhiều đến đâu mà bà còn không tiếp nhận được, không đồng lòng cùng thực hiện thì sẽ không thành công”, Bộ trưởng Hầu A Lềnh chia sẻ.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng cần phải để người dân cảm nhận được chính sách, chung tay cùng thực hiện chính sách và đây cũng là bài học tốt trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Cơ bản giải quyết vướng mắc, chồng chéo về văn bản hướng dẫn
Trả lời tranh luận của đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 33 và giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc tại các tỉnh biên giới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Hiện cả nước có 25 tỉnh biên giới, đời sống kinh tế - xã hội của người dân tại các xã, huyện vùng biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, địa hình xa, hiểm trở. Mặc dù Đảng, Nhà nước thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nhiều nơi vẫn còn gian khó.
Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, vẫn cần nhiều chính sách hơn nữa để cải thiện đời sống cho bà con vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, cần đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 33 để có những chính sách phù hợp hơn, trong đó quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho người dân... đồng thời góp phần gìn giữ biên cương.
Trả lời ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, về triển khai các Thông tư, tại thời điểm Chính phủ có báo cáo với Đoàn giám sát tối cao của Quốc vào tháng 4/2023, còn một số văn bản thực hiện Công điện 71 của Thủ tướng Chính phủ chưa hoàn thành.
Đến nay, các văn bản khó khăn, vướng mắc, nhất là của Ủy ban Dân tộc và Bộ Thông tin và Truyền thông đã được giải quyết, ban hành. Các văn bản khác cần sửa đổi, bổ sung với những vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn đã được các bộ ngành thống nhất giải quyết trên cơ sở pháp luật. Ủy ban Dân tộc sẽ bổ sung thêm kết quả, tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vào báo cáo lần 2 gửi tới Đoàn giám sát của Quốc hội.
Về phân định miền núi, vùng cao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc bày tỏ đồng tình với ý kiến của các đại biểu, đây là việc đã được thực hiện từ năm 1989, bên cạnh việc phân định theo vùng còn có phân định theo trình độ phát triển. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc để đánh giá phân định miền núi vùng cao, đánh giá một số tiêu chí phân định khác, cần thực hiện việc đánh giá này thật toàn diện để có tiêu chí mới.
Theo tiến độ, Ủy ban Dân tộc sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung này vào tháng 9/2023.