Tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong thời gian qua, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), các bộ, ngành liên quan xây dựng, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách pháp luật về đầu tư, trong đó ưu tiên đối với địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

UBDT cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương tổ chức thành công hội thảo với các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển để thông tin về nội dung triển khai, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia DTTS&MN.

Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, vẫn còn một số tồn tại, đó là một số địa phương chưa tập trung cao trong việc phát huy những thế mạnh của mình để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cho vùng đồng bào DTTS&MN, vùng có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn. 

Do tác động của đại dịch COVID-19 và việc Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp nên nguồn lực của các tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam bị ảnh hưởng, các tổ chức có sự thay đổi về chính sách, nguồn lực ưu tiên. Bên cạnh đó, kỹ năng vận động viện trợ của các đối tác Việt Nam còn hạn chế, thủ tục tiếp nhận, phê duyệt các chương trình, dự án còn phức tạp, sự phối họp giữa các cơ quan, chính quyền các cấp còn bất cập.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Hầu A Lềnh đã đưa ra những giải pháp khắc phục thời gian tới, đó là: Trong các chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS&MN, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, việc huy động mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) DTTS&MN đều hết sức cần thiết, trong đó tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên của người dân giữ vai trò quan trọng, nguồn ngân sách nhà nước là quyết định (Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ có điều kiện, chuyển dần từ cho không sang cho vay ưu đãi, kết hợp hài hòa cho vay hỗ trợ gia đình với cho vay theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Nguồn lực đầu tư tập trung trọng tâm, trọng điểm vào địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù, ưu tiên nhóm đối tượng phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số nghèo.

UBDT phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn (đặc biệt thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn ODA...) để bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định tại Nghị quyết của Quốc hội; các địa phương phải có trách nhiệm bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật để thực hiện Chương trình; đồng thời, rà soát, phân kỳ đầu tư, ưu tiên tập trung đầu tư, tránh dàn trải, nợ đọng, bảo đảm đúng quy định của Luật Đầu tư công, huy động đủ các nguồn lực để tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình này.

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư, doanh nghiệp, đầu tư công, quy hoạch... để ưu tiên thu hút đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS&MN. Theo đó, cần xác định ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu tiên đầu tư gắn với ưu đãi đầu tư để thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh riêng có của từng vùng đồng bào DTTS&MN.

Tập trung nguồn lực đầu tư để đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các dự án liên kết vùng có tác động lan tỏa tới phát triển kinh tể xã hội để giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa từ các vùng đồng bào DTTS&MN, vùng có điêu kiện khó khăn, vùng sâu, vùng tới các thị trường tiêu thụ.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; cải cách thủ tục hành chính... đế thu hút các tập đoàn tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào vùng DTTS&MN.

PV/Báo Tin tức
Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề
Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề

Theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, phiên chất vấn bắt đầu từ sáng ngày 6/6/2023. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và có phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Trong 2,5 ngày làm việc, Quốc hội chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề: lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; dân tộc; khoa học và công nghệ và giao thông vận tải. Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN