Ông Nguyễn Tiến Hải làm Trưởng BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Cà Mau

Ngày 18/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ XI để cho ý kiến báo cáo, chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh và một số nội dung khác theo chương trình làm việc toàn khóa.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải (giữa) chỉ đạo Hội nghị. 

Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Phạm Thành Ngại đã công bố Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh có 15 thành viên, gồm: 1 Trưởng ban, 5 Phó Trưởng ban và 9 ủy viên sẽ chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải làm Trưởng ban Chỉ đạo.

Theo quy chế, Ban sẽ chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh. Trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

Ban Chỉ đạo hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tuân thủ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tôn trọng, không làm cản trở hoạt động bình thường và không làm thay nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, Ban sẽ chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo. Ban sẽ kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước khi có căn cứ xác định cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực hoặc có hành vi cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, Ban sẽ kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thành lập các Tổ chỉ đạo để trực tiếp chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; quyết định đưa vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, kết thúc chỉ đạo xử lý đối với những vụ án...

Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị, từ ngày 18-19/7, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến đóng góp nhiều vấn đề quan trọng khác, như: Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong tình hình mới; Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hệ thống đô thị tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Tin, ảnh: Huỳnh Anh (TTXVN)
Tăng cường các giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng
Tăng cường các giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng

Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong 10 năm qua đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, mới đạt 34,7%, trong đó riêng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi có gần 50.000 tỷ đồng được thu hồi, cũng chỉ đạt 41,3%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN