Tham dự chương trình có Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam; bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; bà Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Chương trình là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm những phương thức mới, nâng cao hiểu biết về những đóng góp của các nữ quân nhân cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; hướng tới gia tăng, thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và có ý nghĩa của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình. Đồng thời, hoạt động cũng góp phần khẳng định cam kết nhất quán của Việt Nam với Nghị quyết số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh cũng như hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.
Triển lãm bao gồm những bức ảnh ghi lại dấu ấn đáng nhớ trong quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của các nữ quân nhân Việt Nam hơn 10 năm qua; tôn vinh vẻ đẹp, tài năng cũng như đóng góp đối với sứ mệnh gìn giữ hòa bình của các nữ quân nhân, đồng thời tăng cường hơn nữa hiểu biết của công chúng đối với vấn đề Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.
Gần 100 bức ảnh trưng bày tại Triển lãm do chính những quân nhân Việt Nam trực tiếp tham gia hoạt động tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thực hiện, mang đến cơ hội để công chúng hiểu rõ hơn về hành trình gian nan và đầy ý nghĩa của họ tại những phái bộ xa xôi, là bằng chứng sống động cho thấy lòng dũng cảm, sự kiên cường, tinh thần nhân văn của các nữ quân nhân Việt Nam.
"Những bức ảnh thể hiện mong muốn sâu sắc về hòa bình của dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt và hiểu rất rõ giá trị to lớn của hòa bình. Khát vọng này được các nữ quân nhân Việt Nam mang theo trong thực thi sứ mệnh tại những vùng xung đột, góp phần xây dựng nền hòa bình bền vững", Đại tá Mạc Đức Trọng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều bức ảnh phản ánh rõ những khó khăn, thách thức mà các nữ quân nhân phải đối mặt, từ khi đăng ký tuyển chọn, trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt cho đến khi thực hiện nhiệm vụ ở phái bộ. Trong đó, nhiều nữ quân nhân phải tạm gác lại cuộc sống gia đình và vượt qua trở ngại cá nhân để cống hiến cho sứ mệnh quốc tế cao đẹp; đồng thời cho thấy sự gần gũi, sẻ chia của nữ quân nhân Việt Nam với người dân địa phương thông qua các hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội. Dù ở xa Tổ quốc, các chị vẫn mang theo phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ - tinh thần nhân ái và trách nhiệm, kết nối tình hữu nghị giữa các dân tộc, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của hòa bình.
Triển lãm mở cửa phục vụ công chúng từ ngày 25/10 đến hết ngày 8/11/2024 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Tại chương trình, các đại biểu cũng có cơ hội giao lưu với khách mời là những nhân vật đặc biệt - những người chỉ huy, cán bộ, nữ quân nhân đã có nhiều cống hiến và trải nghiệm đặc biệt trong quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã triển khai 18 lượt nữ quân nhân theo hình thức cá nhân (tỷ lệ 15,12%) và 129 lượt nữ quân nhân theo hình thức đơn vị (tỷ lệ 13,87%). Việt Nam đã và đang phấn đấu duy trì tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ngày càng tăng theo mục tiêu Liên hợp quốc đề ra.
Nữ quân nhân của Việt Nam được triển khai đến các phái bộ thực địa của Liên hợp quốc thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như sĩ quan tham mưu về tác chiến, tình báo, huấn luyện, điều phối quân dân sự, hậu cần, quân lương, trang bị, quan sát viên quân sự, sĩ quan liên lạc. Đối với đội hình đơn vị, các nữ quân nhân Việt Nam đảm nhiệm công tác chỉ huy Bệnh viện dã chiến, quản lý hậu cần, công tác tham mưu hành chính, công binh, quân y và cả bảo vệ lực lượng. Nhiều nữ quân nhân Việt Nam đã và đang thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ; khi kết thúc nhiệm kỳ công tác được lãnh đạo Liên hợp quốc, lãnh đạo phái bộ đánh giá cao, tặng thưởng huân huy chương và được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.