Là thành viên của 4 Hiệp hội khoa học tại Anh, trong đó phải kể đến Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh từ năm 2010, đây là lần đầu tiên Giáo sư Thanh trở thành viện sỹ của một viện hàn lâm tầm cỡ quốc tế như AE.
Với tư cách là thành viên mới (2024), Giáo sư Thanh vinh dự được Viện Hàn lâm châu Âu mời tham dự và trình bày về nghiên cứu của mình trong phiên họp chuyên đề tại Hội nghị thường niên năm 2024 của Viện ở Wroclaw, Ba Lan vào tháng 11/2024 và tham dự tiệc với Tổng thống Ba Lan.
Được thành lập vào năm 1988, Viện Hàn lâm châu Âu là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động như một Viện khoa học và nhân văn toàn châu Âu. Thành viên của Viện gồm hơn 5.500 nhà khoa học nổi tiếng, đến từ các quốc gia Châu Âu và thuộc nhiều ngành, quốc tịch và khu vực địa lý, trong đó 72 người đã đoạt giải Nobel.
Mục tiêu hoạt động của Viện là thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phổ biến những thành tựu học thuật xuất sắc về nhân văn, luật, kinh tế, xã hội và khoa học chính trị, toán học, y học và các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ trên thế giới. Bên cạnh đó, một trong những sứ mệnh cốt lõi của Viện là thúc đẩy sự tiến bộ của giáo dục công cộng bao trùm mọi lứa tuổi trong các môn khoa học.
Để trở thành viện sỹ của Viện Hàn lâm châu Âu, các ứng cử viên phải được nhóm các nhà khoa học uy tín đề cử, sau đó hồ sơ học thuật và thành tựu nghiên cứu khoa học của ứng viên được Viện xét duyệt kỹ lưỡng và cuối cùng việc bầu chọn được thực hiện bởi Hội đồng khoa học của Viện.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Anh, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh chia sẻ niềm vui và tự hào khi được bầu chọn làm viện sỹ của Viện Hàn lâm châu Âu, coi đây là sự ghi nhận đối với các thành tựu nghiên cứu, giảng dạy và những cố gắng, đóng góp không ngừng của bà và các đồng nghiệp, cộng tác viên trong việc phổ biến kiến thức, niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho cộng đồng.
Bà tâm sự: “Tôi cảm thấy vinh dự khi được bầu làm viện sỹ Viện Hàn lâm châu Âu. Thật tuyệt vời khi được hòa nhập với những bộ óc vĩ đại không chỉ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, toán y học mà còn cả nhân văn, luật, kinh tế, xã hội và khoa học xã hội chính trị. Chúng ta cần nỗ lực tập thể để giải quyết những thách thức quốc tế to lớn mà chúng ta đang phải đối mặt hôm nay và trong tương lai”.
Đối với Việt Nam, bà mong muốn sự kiện này sẽ góp phần nâng cao uy tín cho trí thức, nhà khoa học người Việt Nam trên thế giới, khuyến khích họ tự tin hội nhập với nền khoa học tiên tiến của thế giới.
Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh là một trong những trí thức người Việt nổi tiếng trong giới khoa học gia quốc tế, là giáo sư người Việt đầu tiên tại Đại học UCL từ năm 2013. Bà tốt nghiệp chuyên ngành hóa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1992; sau đó nhận học bổng nghiên cứu quốc tế ở Hà Lan và Anh, nơi bà lấy bằng tiến sĩ năm 1998.
Với bề dày thành tích nghiên cứu khoa học, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh đã giành được rất nhiều giải thưởng cao quý từ các hiệp hội khoa học, viện hàn lâm uy tín trên thế giới gồm: Giải thưởng "Người phụ nữ xuất sắc trong lĩnh vực hóa học hoặc kỹ thuật hóa học năm 2023" của Liên minh quốc tế về hóa học cơ bản và hóa học ứng dụng (IUPAC), giải thưởng Thomas Graham 2023 của liên hiệp SCI/RSC gồm Hiệp hội công nghiệp hóa chất và Hiệp hội hóa học Hoàng gia Anh. Năm 2022, Giáo sư Thanh đã được trao Giải thưởng liên ngành (Interdisciplinary Prize) của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh cho những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu cơ bản về tổng hợp hóa học và các phân tích tính chất vật lí của vật liệu nano plasmonic và từ tính cho các ứng dụng y sinh. Năm 2019, bà vinh dự được nhận giải thưởng cao quý "The Rosalind Franklin Award and Lecture 2019" của Viện Hàn lâm khoa học Vương quốc Anh cho những thành tựu của bà trong lĩnh vực vật liệu nano.
Vào tháng 11/2022, bà cũng vinh dự được giảng bài trong chương trình thuyết giảng khoa học lâu đời và nổi tiếng thế giới Friday Evening Discourses (FED) của Viện Hoàng gia Vương quốc Anh (Ri). Hiện bài giảng của bà đã thu hút 25.000 lượt xem.
Bà cũng có nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu với các cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu trong nước để hiện thực hóa khát vọng đưa các nhà khoa học Việt Nam hội nhập với thế giới. Ngày 02/11/2014, bà đã quyết định thành lập Viện Hàn lâm Trẻ Việt Nam (Vietnam Young Academy - VYA), với sứ mệnh kết nối, hỗ trợ cho các nhà khoa học người Việt Nam trong giai đoạn đầu của sự nghiệp có cơ hội giao lưu, thảo luận về những chủ đề quan trọng của đất nước và toàn cầu, đóng góp ý kiến đổi mới giáo dục và phát triển chính sách cho Việt Nam.
Năm 2019, VYA đã tổ chức Hội thảo các Viện Hàn lâm Trẻ Thế giới (WWMYA) lần thứ 4 tại Đà Nẵng với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học công nghệ và Bộ Ngoại giao. Kết quả nổi bật của Hội thảo là việc thông qua Tuyên bố chung về nguyên tắc chủ đạo cho việc thành lập Viện Hàn lâm trẻ và sau đó văn kiện này đã được công bố chính thức tại Diễn đàn khoa học thế giới (World Science Forum - WSF) vào tháng 11/2019 tại Budapest, Hungary với sự tham dự của hơn một nghìn nhà khoa học, học giả, nhà hoạch định chính sách, nhà công nghiệp và nhà truyền thông khoa học. Đáng chú ý, Viện Hàn lâm trẻ Vương quốc Anh với sự hỗ trợ của các Viện Hàn lâm và Chính phủ Anh cũng đã được thành lập vào năm 2022, sau VYA 8 năm.
Bên cạnh đó, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh cũng có nhiều hoạt động cộng đồng, tạo cảm hứng cho trẻ em theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học. Bà đã sử dụng tiền thưởng của giải thưởng Rosalind Franklin để tổ chức Trại khoa học dã ngoại ở trung tâm giải trí phiêu lưu PGL Liddington thuộc vùng Wiltshire, Anh để truyền cảm hứng, thúc đẩy các em học sinh từ lớp 8 đến lớp 10 thuộc các gia đình nghèo ở London, chọn các môn khoa học và toán (STEM) cho chương trình GCSE (cấp hai) vào tháng 4/2023.