‘Nóng’ với các ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng; giá vàng đạt đỉnh

Tuần từ 21-26/7, những tin tức về dịch bệnh, pháp đình và kinh tế cùng làm “nóng” dư luận xã hội: Xuất hiện các ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng; đề xuất khai trừ Đảng với nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; bắt cán bộ văn phòng Chủ tịch UBND TP Hà Nội và TP Hải Phòng; giá vàng vọt qua mốc 55-56 triệu đồng/lượng.

Chấm dứt chuỗi ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng

Liên tiếp các ngày từ 24-26/7, các ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng được phát hiện, gồm: BN416, BN418, BN419, BN420. Ba trong số 4 bệnh nhân này là người sống tại Đà Nẵng; người còn lại tại Quảng Nam nhưng cũng đi thăm người thân tại Đà Nẵng.

Chú thích ảnh
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam tính tới ngày 26/7.

Như vậy, chuỗi ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng tại Việt Nam đã dừng tại con số 99. Luỹ tích đến 18 giờ ngày 26/7, Việt Nam có 420 bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 365 (chiếm 86,9% tổng số bệnh nhân). Việt Nam có tổng cộng 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, theo dõi sức khỏe (cách ly) là 11.187

Ngay khi có thông tin về ca bệnh số 416, tất cả các ban ngành chức năng, địa phương có liên quan tại Đà Nẵng khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các phương án, biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch. Đà Nẵng yêu cầu người dân giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc, không tập trung quá 30 người. Ngay trong tối 25/7, Bộ Y tế thành lập ba đội công tác đặc biệt hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Đà Nẵng, khẩn cấp khoanh vùng, dập dịch, hạn chế tối đa sự lây lan ra các tỉnh lân cận và trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 25/7, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó Ban chỉ đạo quốc gia chống COVID-19, ký văn bản gửi Thủ tướng, đề xuất nhiều giải pháp chống dịch bệnh tại Đà Nẵng. Theo đó, Ban chỉ đạo đề nghị Thủ tướng chỉ đạo giãn cách toàn thành phố Đà Nẵng, theo chỉ thị 16 (tháng 3/2020), trong vòng 15 ngày, từ 0h ngày 27/7. Đồng thời, Ban chỉ đạo đề xuất phong toả toàn bộ các địa điểm hai bệnh nhân đã từng có mặt, kể từ 12/7. Các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng đi và đến Đà Nẵng được hạn chế; chỉ cho phép mỗi ngày có từ 1 đến 2 chuyến bay từ các sân bay trong nước. Tất cả người dân khi ra khỏi TP Đà Nẵng phải khai báo y tế với nhà chức trách nơi đến; cách ly tại nhà và được xét nghiệm nCoV. Giải pháp xét nghiệm diện rộng ở Đà Nẵng cũng được đề xuất.

Một số địa phương khác nhanh chóng có các biện pháp khuyến cáo người dân đã du lịch tại Đà Nẵng trong thời gian ngắn vừa qua phải thực hiện cách ly, thậm chí khuyến cáo tạm dừng các chuyến du lịch theo dự kiến tới địa phương này. Thành phố Hà Nội sáng 26/7 ra công điện khẩn yêu cầu người dân và các đơn vị chức năng tuân thủ các giải pháp chống dịch COVID-19

Phát hiện nhiều vụ nhập cảnh trái phép

Giữa thời điểm dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trở lại, nhiều vụ nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Chú thích ảnh
Đối tượng Gao Liang Gu (Cao Lượng Cố) khi bị bắt giữ. Ảnh: TTXVN phát

Tối 25/7, Công an thành phố Đà Nẵng phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện, bắt giữ đối tượng Gao Liang Gu (Cao Lượng Cố), người Trung Quốc, sinh năm 1978, tại một khách sạn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Thông tin ban đầu, Cao Lượng Cố được xác định là đối tượng cầm đầu đường dây tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng và Quảng Nam thời gian qua. Hiện đối tượng được di lý về Công an Quảng Nam để tiếp tục điều tra làm rõ. Trước đó, trong các ngày 11 và 16/7, Công an thành phố Đà Nẵng kiểm tra hành chính tại một số địa chỉ đã phát hiện 31 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

Cũng trong ngày 25/7, vào rạng sáng, Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Xín Cái phối hợp với Công an xã Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc) ngăn chặn nhóm 14 đối tượng gồm 9 nam, 5 nữ nhập cảnh trái phép về Việt Nam và có ý định trốn tránh cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Dẫn giải các đối tượng nhập cảnh trái phép về Đồn biên phòng Xín Cái (Ảnh chụp từ clip). 

Qua lời khai của nhóm đối tượng này, 10 người có địa chỉ thường trú tại các tỉnh Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng và Hưng Yên. Bốn người còn lại là người địa phương dẫn đường nhằm thu lợi từ nhóm đối các đối tượng nhập cảnh trái phép, với số tiền 1.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 3,2 triệu đồng).

Từ đầu tháng 5 đến hết ngày 26/7/2020, trên tuyến biên giới huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và thu dung 1.571 người (233 người của tỉnh Hà Giang, 1.338 người thuộc các tỉnh, thành khác trong cả nước) nhập cảnh trái phép đưa về khu cách ly y tế theo quy định, trong đó đã hoàn thành cách ly 1.500 người.

Đề xuất khai trừ Đảng nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh

Chú thích ảnh
Kỳ họp 46 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.  

Tuần qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra kết luận họp Kỳ 46, theo đó quyết định thi hành kỷ luật Đảng, đề xuất kỷ luật Đảng đối với một số đảng viên vi phạm. Trong số này, có các đảng viên từng giữ cương vị lãnh đạo tại nhiều cơ quan, đơn vị, ban ngành, địa phương. Đặc biệt đáng chú ý, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với:

-Đồng chí Nguyễn Hữu Tín, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và đồng chí Đào Anh Kiệt, nguyên Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh do vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Bắt giữ cán bộ văn phòng UBND TP Hà Nội, Hải Phòng

Một trong những sự kiện “nóng” tuần qua là việc Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với 3 đối tượng có hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Ba đối tượng này là thành viên tổ Thư ký, tổ Giúp việc của UBND TP Hà Nội, là lái xe của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Các bị can này gồm: Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Phó trưởng Phòng Thư ký biên tập, Tổ giúp việc của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội); Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là lái xe của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội); Phạm Quang Dũng (sinh năm 1983, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nguyên cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an.

Ngày 22/7, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 3 bị can nêu trên. Hiện Cơ quan An ninh điều tra đang tiếp tục làm rõ hành vi sai phạm của các bị can để xử lý trước pháp luật.

Cũng trong tuần qua, ngày 23/7, Công an thành phố Hải Phòng bắt giữ Nguyễn Đình Biên, sinh năm 1981, là chuyên viên Phòng Quản trị tài vụ - Văn phòng UBND thành phố Hải Phòng về hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Hiện Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hải Phòng đang tập trung điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật. UBND thành phố Hải Phòng cho biết, các đơn vị chức năng đang làm rõ vụ việc. Khi có kết luận chính thức, UBND thành phố sẽ thông tin rõ đến công luận.

Vàng vượt mốc 56 triệu đồng

Trong tuần qua, giá vàng trong nước liên tiếp ghi nhận mức cao nhất từ trước đến nay và có lúc đã vượt 56 triệu đồng/lượng.

Chú thích ảnh
"Phố vàng" Trần Nhân Tông với hàng loạt cửa hàng vàng bạc, đá quý. Ảnh: Minh Phương

Đầu tuần, giá vàng trong nước duy trì trên mốc 50 triệu đồng/lượng. Ngày 21/7, vàng bắt đầu tăng tốc và vượt mốc 51 triệu đồng/lượng. Sang phiên ngày 22//7, giá vàng trong nước tiếp tục tăng "dựng đứng" và nhanh chóng vượt mốc 53 triệu đồng/lượng.

Ngày 23/7, giá vàng trong nước lại vượt mốc 54 triệu đồng/lượng. Thị trường Hà Nội bắt đầu xuất hiện người dân đi bán vàng chốt lời. Sáng 24/7, giá vàng trong nước chính thức vượt mốc 56 triệu đồng/lượng.

Thị trường tấp nập trở lại với kẻ bán người mua xếp hàng dài tại các cửa hàng lớn. Tuy nhiên, sang phiên chiều 24/7, giá vàng trong nước đã rời khỏi mốc 56 triệu đồng/lượng, xuống mức 53,5 - 55,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) và thị trường vàng các ngày cuối tuần cũng dao động quanh mức giá này.

Tính chung cả tuần, các doanh nghiệp vàng đã điều chỉnh giá vàng SJC tăng khoảng 5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Giới kinh doanh vàng trong nước phải nới rộng khoảng cách chênh lệch giữa mua và bán lên tới 1,6 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước có thời điểm cao hơn giá vàng thế giới gần 3 triệu đồng/lượng.

Theo các chuyên gia, trong tình hình giá vàng trong nước và thế giới diễn biến phức tạp và biến động khá mạnh, việc đầu tư vàng vào thời điểm này chứa đựng rất nhiều rủi ro.

PV/Báo Tin tức
Thông điệp đằng sau đà tăng phi mã của giá vàng
Thông điệp đằng sau đà tăng phi mã của giá vàng

Đại dịch COVID-19 là một trong những yếu tố tạo ra phản ứng dữ dội nhất của thị trường vàng thế giới trong những ngày qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN