Tang lễ đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu được tổ chức theo nghi thức Quốc tang
Chiều 10/8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vô cùng thương tiếc báo tin:
Đồng chí Lê Khả Phiêu, sinh ngày 27/12/1931, tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thường trú tại số nhà 7/36/C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1947; vào Đảng ngày 19/6/1949. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, khóa VIII; Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001). Đại biểu Quốc hội khóa IX, khóa X.
Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần hồi 2 giờ 52 phút, ngày 7/8/2020 (tức ngày 18 tháng 6 năm Canh Tý), tại nhà riêng, hưởng thọ 89 tuổi.
Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, Đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Lê Khả Phiêu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Lê Khả Phiêu với nghi thức Quốc tang.
Lễ viếng đồng chí Lê Khả Phiêu được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội bắt đầu từ 8 giờ, ngày 14/8/2020 đến 12 giờ, ngày 15/8/2020.
Lễ truy điệu đồng chí Lê Khả Phiêu tổ chức vào 12 giờ 30 phút, ngày 15/8/2020 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng lúc 14 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và Hội trường 25B, đường Quang Trung, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Lê Khả Phiêu.
Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Lê Khả Phiêu tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa.
Trong hai ngày Quốc tang (14/8 và 15/8/2020), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Không để tài sản nhà nước bị lãng phí hay bị "lợi ích nhóm"
Sáng 10/8, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp liên quan đến cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tổng thể, toàn diện, tạo cơ sở pháp lý để xử lý, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn; qua đó hoàn thiện quy định của pháp luật về sử dụng vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đúng Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội.
Nhấn mạnh việc sắp xếp lại các doanh nghiệp cổ phần hóa (có đất đai, nhà cửa ở nhiều địa phương) theo đúng quy định, Phó Thủ tướng lưu ý, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu phối hợp với các địa phương định giá rõ ràng để đưa vào cổ phần hóa hoặc giao trả lại địa phương theo quy định của pháp luật, trên tinh thần “không để lãng phí tài sản trên đất”.
“Không để tài sản nhà nước bị lãng phí hay bị ‘lợi ích nhóm’; luồn lách pháp luật bán với ‘giá bèo’", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia đợt 1
Sau 2 ngày tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia (đợt 1), chiều 10/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo nhân kết thúc đợt 1 thi tốt nghiệp THPT 2020.
Báo cáo về đợt 1 thi tốt nghiệp THPT năm 2020, PGS TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Qua kiểm tra tại các địa phương, các trường thi hai ngày qua đã an toàn, trật tự, chưa phát hiện gian lận có tổ chức. Nhiều tổ chức xã hội có các giải pháp hỗ trợ tối đa đảm bảo an toàn cho thí sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp. Số lượng thí sinh bị đình chỉ thi là 38, có 18 cán bộ coi thi bị xem xét xử lý do chưa thực hiện trọn ven quy chế trong quá trình coi thi tại các địa phương.
Do những sai sót từ phía các cán bộ coi thi, những thí sinh ở các tỉnh như: Bắc Ninh, Bình Phước, Điện Biên sẽ phải thi lại vào sáng ngày 11/8 để đảm bảo quyền lợi cho các em.
GD&ĐT sẽ áp dụng theo quy chế xử lý nghiêm các cán bộ coi thi này”, PGS TS Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Cụ thể, tại Bắc Ninh, ở môn thi Ngữ văn, cán bộ coi thi đã ký nhầm vào ô “cán bộ chấm thi”. Các thầy cô ở điểm thi này yêu cầu thí sinh chép lại bài thi gây ảnh hưởng đến thời gian làm bài. Theo nguyện vọng của thí sinh và gia đình Hội đồng thi sẽ tổ chức thi lại môn Ngữ văn theo đề dự phòng vào sáng 11/8.
Tại một Hội đồng thi ở Điện Biên, thí sinh cũng sẽ phải làm đề dự phòng môn Địa lý do cán bộ coi thi phát chậm đề thi, muộn 5 phút mà không bù giờ cho thí sinh. Hội đồng thi tỉnh Điện Biên báo cáo Ban chỉ đạo thi Quốc gia và quyết định cho thí sinh ở hội đồng thi này làm đề thi dự bị môn Địa lý vào sáng 11/8.
Trường hợp 1 thí sinh ở Bình Phước không thi môn Địa lý do cán bộ coi thi không rà soát lại danh sách tuyển thẳng khiến thí sinh này không dự thi. Cuối cùng Ban chỉ đạo thi đã quyết định cho thí sinh này thi lại môn Địa lý vào sáng 11/8.
Trước dư luận về mức độ phân hoá của đề thi khiến các trường đại học khó xét tuyển, PGS TS Mai Văn Trinh cho biết: Đề thi năm nay bám sát mục tiêu đề thi, bám sát đề minh hoạ công bố trước đó; Có độ phân hoá phù hợp; Trên thực tế các chuyên gia nhận định đề thi vừa sức, có độ phân hoá đảm bảo hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cao đẳng.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ sẽ công bố đáp án theo tiến độ chấm thi tự luận, trắc nghiệm. Việc công bố điểm thi sẽ được thực hiện theo lộ trình và chỉ công bố điểm thi khi hoàn thành chấm thi. Trong quá trình công bố điểm thi, Bộ GD&ĐT cam kết đảm bảo thông tin thông suốt, không nghẽn mạng, không lộ bí mật cá nhân. Các hình thức công bố điểm thi cho thí sinh là miễn phí.
Xét xử nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết
Sáng 10/8, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại thành phố Phan Thiết.
Sáu bị cáo đưa ra xét xử nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết, Trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường Phan Thiết, cùng các cán bộ, chuyên viên của phòng này do vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Theo cáo trạng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được Nhà nước giao trong lĩnh vực quản lý đất đai trên địa bàn thành phố Phan Thiết, từ tháng 2/2016 đến tháng 12/2018, nhóm 4 bị cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phan Thiết đã lập hồ sơ, tham mưu cho phép chuyển mục đích đất trái pháp luật.
Theo cáo trạng, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý đất đai, đô thị trên địa bàn thành phố Phan Thiết. Đặc biệt, việc làm này phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận phê duyệt; xâm hại hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước; làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước và lòng tin của nhân dân đối với công tác quản lý đất đai, đô thị tại địa phương. Do đó, cần phải truy tố để xét xử nghiêm minh nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung.
Dự kiến, phiên tòa xét xử sẽ kết thúc vào ngày 18/8.
Đình chỉ một bác sĩ và ba điều dưỡng bỏ mặc bệnh nhân đến cấp cứu
Sáng 10/8, ông Trần Đức Minh, Giám đốc Phòng khám Đa khoa tư nhân Trần Đức Minh, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cho biết, phòng khám này đã tạm đình chỉ công tác 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng để xác minh, làm rõ việc không hỗ trợ cấp cứu người bị nạn.
Trước đó, ngày 9/8, một vụ va chạm giao thông giữa hai xe máy xảy ra trên đường D1 (Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) khiến một nam thanh niên bị thương nằm bất động giữa đường.
Vụ tai nạn xảy ra cách Phòng khám đa khoa tư nhân Trần Đức Minh khoảng 50 m. Người dân đã vào phòng khám nhờ nhân viên y tế ra sơ cứu nạn nhân và nhờ xe cấp cứu của phòng khám đưa nạn nhân đi Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước để cứu chữa. Tuy nhiên, bác sĩ và các y tá tại phòng khám này đã thờ ơ, không ra hỗ trợ nạn nhân, cũng không liên lạc lái xe để đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Thanh tra của Sở Y tế tỉnh Bình Dương đang xác minh xử lý vụ việc trên.
Thêm 4 ca mắc COVID-19 tử vong
Ngày 10/8, Bộ Y tế thông tin thêm 4 trường hợp bệnh nhân COVID-19 tử vong. Như vậy Việt Nam đã có 15 ca tử vong tính từ khi dịch xảy ra.
Trong ngày 10/8, Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số mắc của Việt Nam lên 847 ca. Trong số các ca mắc mới có 1 ca tại Quảng Nam, 4 Đà Nẵng và 1 ca nhập cảnh tại TP. Hồ Chí Minh.
Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 389 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 182.267, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 5.139; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 28.408; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 148.720 trường hợp
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 10/8 Việt Nam có 4 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là: BN423, BN424, BN441, BN442. Trong số này có 3 bệnh nhân người Đà Nẵng và 1 bệnh nhân người Quảng Ngãi. Sau khi được công bố khỏi bệnh, các bệnh nhân này tiếp tục được cách ly theo dõi tại địa phương và có sự quản lý của nhân viên y tế. Bệnh viện Phổi Đà Nẵng sẽ bố trí xe đưa bệnh nhân về địa phương.
Như vậy đến nay có 399 bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam được công bố khỏi bệnh.
Hiện số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 9 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 36 ca.; số ca tử vong: 13 ca; số ca điều trị khỏi: 399 ca.
Tăng năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp gộp mẫu
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 3486/QĐ-BYT ban hành “Hướng dẫn tạm thời việc gộp mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2”.
Theo Bộ Y tế, việc gộp mẫu nhằm hỗ trợ thực hiện giám sát dịch tễ, xét nghiệm chẩn đoán mắc COVID-19 trong một/nhiều nhóm quần thể dựa trên đánh giá dịch tễ và các yếu tố nguy cơ liên quan; chẩn đoán phát hiện mắc COVID-19; đồng thời giảm nhu cầu sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao sử dụng cho xét nghiệm; giảm thời gian xét nghiệm và tăng công suất xét nghiệm.
Phương pháp xét nghiệm gộp mẫu (pool) là phương thức xét nghiệm lấy một phần của mỗi trong các mẫu để đưa vào gộp và tách chiết, xét nghiệm, phần còn lại của các mẫu được bảo quản để xét nghiệm riêng rẽ lại lần 2 nếu xét nghiệm mẫu gộp dương tính.
Việc thực hiện gộp mẫu đã được áp dụng tại một số quốc gia với các hình thức gộp mẫu khác nhau, có các nghiên cứu lấy mẫu riêng lẻ sau đó chuyển về phòng xét nghiệm mới thực hiện gộp để tránh việc phải quay lại lấy lại mẫu sau khi có trường hợp dương tính. Có nghiên cứu thì cách gộp que lấy mẫu ngay khi lấy mẫu. Cho dù, cách gộp mẫu nào đi chăng nữa, các phòng xét nghiệm cần thận trọng để đảm bảo về mặt chất lượng.
Hà Nội thành lập 16 đoàn kiểm tra liên ngành về công tác chống dịch COVID-19
Chiều 10/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội, lãnh đạo TP Hà Nội nhận định: Do Hà Nội có 3 ca bệnh có lộ trình đi lại phức tạp, nên thời gian tới, thành phố có thể ghi nhận thêm ca bệnh mới ngoài cộng đồng.
Thành ủy Hà Nội sẽ thành lập 16 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra đột xuất về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn; các quận, huyện phải đảm bảo trực 24/7.
Công an Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 có những quy định cụ thể về việc cách ly đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng. Hiện tại cơ quan công an chưa xử phạt trường hợp nào không đeo khẩu trang, vẫn đang tiếp tục tuyên truyền nên cũng đề nghị thành phố có quy định cụ thể hơn.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhận định, các đơn vị của thành phố đã vào cuộc nhưng chưa quyết liệt, vẫn để tình trạng người dân ra đường không đeo khẩu trang, một số trường hợp F2 chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc xử phạt người không đeo khẩu trang mới chỉ dừng lại ở hình thức nhắc nhở.
Ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Khâu yếu nhất của Hà Nội hiện nay chính là phòng chống tại các bệnh viện. Ông Nguyễn Đức Chung đề nghị, đặc biệt lưu ý ở các bệnh viện trong việc quản lý, phân luồng đối với tất cả bệnh nhân đến khám tại các khoa như cấp cứu, thận, tiểu đường, hô hấp… hạn chế tối đa người đến thăm bệnh nhân, chỉ bệnh nhân nặng mới cho 1 người vào chăm sóc.
Bên cạnh đó, cần tập trung nhân lực, chạy đua với thời gian để lấy mẫu, yêu cầu mỗi ngày phải lấy được từ 10.000-12.000 mẫu; Tiếp tục xác minh F1, F2 của các ca F0; Tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân đi Đà Nẵng về phải khai báo y tế.
Bộ Công Thương đề xuất điện một giá, cao nhất là 2.889 đồng/kWh
Chiều 10/8, Bộ Công Thương đã chính thức đề xuất thêm giá bán lẻ 'điện một giá' và phương án 5 bậc thang để khách hàng dùng điện sinh hoạt tự lựa chọn.
Theo đó, đối với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án lựa chọn, gồm: phương án 1 là tính giá điện theo 5 bậc thang; phương án là khách hàng lựa chọn giá bán lẻ điện theo 5 bậc hoặc một giá.
Trong đó, các phương án được đưa ra điều chỉnh giãn cách số bậc thang. Cụ thể, bậc 1 từ 0 - 100kWh, tăng số bậc thang từ 101 kWh trở lên tới 401 kWh ở các bậc 2, 3, 4 và bậc 5 - bậc cao nhất sẽ lên mức 701 kWh (so với bậc thang cao nhất trước đây là bậc 6 ở mức 401 kWh trở lên).
Đối với phương án 2, dự thảo đưa ra 2 lựa chọn là phương án 2A và 2B. Trong đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn một giá tương ứng là 145% và 155% so với mức giá bán lẻ điện bình quân.
Khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là một năm tính từ thời điểm bắt đầu thay đổi (12 kỳ hóa đơn thanh toán).
Như vậy, hiện nay mức giá bán lẻ điện bình quân được Bộ Công thương quy định là 1.864,44 đồng/kWh, kể từ thời điểm điều chỉnh giá bán lẻ điện ngày 20/3/2019, thì điện một giá nếu được lựa chọn sẽ lên tới trên 2.703 đồng/kWh và 2.889 đồng/kWh (chưa gồm VAT).
Theo tính toán, tỉ lệ giá bán lẻ so với mức giá bán lẻ điện bình quân ở các phương án cũng có chênh lệch nhau khá lớn. Cụ thể, nếu ở phương án 1 bậc 1 có tỉ lệ là 90%, bậc 5 ở mức cao nhất với 168%. Trong khi phương án 2A bậc 5 mức cao nhất là 274% và phương án 2B là 185%.
Đối với nhóm "khách hàng ngoài sinh hoạt", dự thảo cũng đưa ra hai phương án lựa chọn. Cụ thể, phương án 1 bao gồm nhóm khách hàng sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh. Trong đó nhóm khách hàng lưu trú du lịch, doanh nghiệp dịch vụ logistics sẽ được gộp vào nhóm sản xuất.
Phương án 2 là gộp các nhóm sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 1 nhóm là "khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt".
Theo dự thảo, hộ nghèo theo tiêu chí về thu nhập do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tài chính hợp pháp khác.